Người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong Ngày Quốc tế lao động 1 tháng 5

Thứ năm - 02/05/2024 08:30 68 0
Người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong Ngày Quốc tế lao động 1 tháng 5

Người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong Ngày Quốc tế lao động 1 tháng 5

(Nguồn https://pbgdpl.tayninh.gov.vn)

Ảnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1.5.1955, nguồn internet
Ảnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1.5.1955, nguồn internet



Ngày Quốc tế Lao động 1/5 (International Workers’ Day hay còn gọi là Labor Day hoặc May Day) là ngày lễ kỷ niệm phong trào công nhân quốc tế và của người lao động.
Ngày Quốc tế Lao động bắt nguồn từ năm 1886, tại thành phố công nghiệp lớn Chicago, Đại hội Liên đoàn Lao động Mỹ thông qua nghị quyết nêu rõ: “... Từ ngày 1/5/1886, ngày lao động của tất cả các công nhân sẽ là 8 giờ”.
Sở dĩ ngày 1/5 được chọn bởi đây là ngày bắt đầu một năm kế toán tại hầu hết các nhà máy, xí nghiệp ở Mỹ. Vào ngày này, hợp đồng mới giữa thợ và chủ sẽ được ký. Giới chủ tư bản có thể biết trước quyết định của công nhân mà không thể kiếm cớ chối từ.
Ngày 1/5/1886, do yêu cầu của công nhân không được đáp ứng một cách đầy đủ, giới công nhân trên toàn nước Mỹ đã tham gia bãi công nhằm gây áp lực buộc giới chủ thực hiện yêu sách của mình.
Đầu tiên là cuộc bãi công tại thành phố Chicago. Khoảng 40.000 người không đến nhà máy. Họ tổ chức mít tinh, biểu tình với biểu ngữ “Từ hôm nay không người thợ nào làm việc quá 8 giờ một ngày! Phải thực hiện 8 giờ làm việc, 8 giờ nghỉ ngơi, 8 giờ vui chơi!”
Ngày 20/6/1889, Đại hội I của Quốc tế Cộng sản II quyết định lấy ngày 1/5 hằng năm làm ngày biểu dương lực lượng và đấu tranh chung của tầng lớp vô sản. Vào ngày 1/5/1890, lần đầu tiên Ngày Quốc tế Lao động 1/5 được tổ chức trên quy mô thế giới.
Loài hoa biểu tượng của ngày này là hoa Linh lan. Ngày 1/5/1891, một cuộc biểu tình của công nhân xảy ra ở miền Bắc nước Pháp, 10 người bị bắn chết, trong đó có Marie Blindeau, mang trên mình bộ quần áo trắng tinh khiết. Để tưởng nhớ, người Pháp lấy hoa Linh lan, loài hoa nhỏ màu trắng, thơm dịu, nở vào ngày đầu tiên của tháng Năm làm biểu tượng của ngày 1/5.
Năm 1920, theo sự phê chuẩn của Lênin, Liên Xô (cũ) là nước đầu tiên cho phép người dân được nghỉ làm vào Ngày Quốc tế Lao động 1/5.
Từ những năm 20 của thế kỷ 20, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc (Hồ Chí Minh) đã tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam thông qua những tác phẩm của mình. Những tác phẩm này đã giúp công nhân lao động Việt Nam hiểu rõ hơn về phong trào cộng sản, công nhân và công đoàn trên toàn cầu. Ngày 1.5 liên quan đến các cuộc đấu tranh cách mạng trong và ngoài nước.
Ngày 1.5.1925, công nhân ở Chợ Lớn, Đường sắt Dĩ An và Đà Nẵng biểu tình bày tỏ ý chí bảo vệ Liên bang Xô viết. Công nhân của Nhà máy đóng tàu Ba Son ở Sài Gòn đã bãi công vào tháng 8 năm 1925 để đòi tăng lương và để hỗ trợ phong trào đấu tranh của công nhân Thượng Hải ở Trung Quốc. Những cuộc đấu tranh đầu tiên ấy đánh dấu sự kết hợp giữa chủ nghĩa quốc tế vô sản và chủ nghĩa yêu nước, đánh dấu một mốc son trong sự phát triển của phong trào công nhân Việt Nam, chuyển từ tự phát sang tự giác.
Sau khi Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời (1930), giai cấp công nhân Việt Nam đã lấy ngày l/5 hằng năm làm ngày đỉnh cao của phong trào đấu tranh chống thực dân, đế quốc, giành độc lập-tự do-dân chủ, giành những quyền lợi kinh tế-xã hội.
Cao trào cách mạng trong những năm 1930 - 1931 bắt đầu với cuộc đấu tranh diễn ra vào ngày 1.5.1930. Nhiều nơi trên khắp đất nước, từ Bắc đến Nam, treo cờ Đảng, tổ chức mít tinh và tuần hành thị uy. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự vận động của Công hội đỏ, công nhân và nông dân đã tổ chức mít tinh kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1.5, thể hiện tình đoàn kết với công nhân lao động thế giới và đấu tranh cho quyền lợi. Đây là lần đầu tiên giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên toàn quốc đoàn kết đấu tranh để chứng minh sức mạnh vô địch và nghị lực phi thường của khối liên minh công - nông.
Đặc biệt, tại Nhà máy xe lửa Trường Thi, Nhà máy Cưa và Nhà máy diêm Bến Thủy (Nghệ An), hàng nghìn thợ thuyền cùng nông dân ngoại thành đòi ngày làm việc 8 giờ và giảm sưu thuế. Cuộc đấu tranh của 4.000 công nhân nhà máy sợi Nam Định trong 21 ngày gian khổ cũng góp phần vào cao trào cách mạng toàn quốc do Đảng lãnh đạo.
Các cuộc cách mạng từ năm 1936 đến năm 1939, thời kỳ Mặt trận dân chủ Đông Dương và ngày Quốc tế Lao động đều được tổ chức công khai, đặc biệt là cuộc mít tinh được tổ chức vào ngày 1.5.1938 tại trường Đấu xảo Hà Nội, hiện là Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt - Xô. Cuộc mít tinh bắt đầu lúc 16 giờ ngày 1.5.1938, nhưng ngay từ xế trưa, những người tham gia đã tràn ngập trên các ngả phố. Tổng cộng, có trên 25.000 người từ 25 đoàn khác nhau. Sức mạnh của nhân dân lao động được thể hiện trong cuộc mít tinh lớn nhất trong vận động dân chủ.
Sau khi giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 22c.NV.CC vào ngày 18.2.1946 coi ngày 1.5 là một trong những ngày lễ chính thức của quốc gia. Sắc lệnh số 56 của Chủ tịch Hồ Chí Minh được ký vào ngày 29.4.1946, quy định công nhân được hưởng lương ngày nghỉ lễ Quốc tế Lao động (1.5).
Ngày 1.5.1946 là Ngày Quốc tế Lao động đầu tiên trong lịch sử nước ta. 20 vạn nhân dân lao động đã tham dự mít tinh trọng thể kỷ niệm ngày này tại Hà Nội. Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc lời kêu gọi: “Cùng đồng bào toàn quốc! Cùng anh chị em lao động! Ngày 1 tháng 5 là một ngày Tết chung cho lao động cả các nước trên thế giới. Đó là một ý nghĩa đoàn kết rất sâu xa. Ở nước ta lần này là lần đầu mà đồng bào ta, anh chị em lao động ta, được tự do đón tiếp ngày 1.5. Vậy nên nó có ý nghĩa đặc biệt sâu xa hơn nữa. Đối với chúng ta nó là một ngày để tỏ cho thế giới biết rằng, ngày này chẳng những là ngày Tết lao động, mà nó còn là ngày toàn dân đoàn kết. Đoàn kết để giữ vững tự do dân chủ. Đoàn kết để kiến thiết nước nhà. Đoàn kết để xây dựng một đời sống mới”.
Phát huy truyền thống của Ngày Quốc tế Lao động 1/5, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giai cấp công nhân Việt Nam đã có những bước trưởng thành cả về số lượng và chất lượng, là lực lượng xã hội to lớn với khoảng 14,8 triệu người, chiếm trên 14% dân số và trên 29% lực lượng lao động toàn xã hội; hiện đang có mặt trong tất cả các lĩnh vực, thành phần kinh tế, tiếp cận nhanh với khoa học công nghệ tiên tiến, từng bước đảm đương, làm chủ kỹ thuật - công nghệ cao và bước đầu hình thành đội ngũ công nhân trí thức.
Điều 2 Hiến pháp năm 2023 khẳng định: Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức.
Điều 68 Hiến pháp năm 2023 quy định: Nhà nước phát huy tinh thần yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng của Nhân dân, giáo dục quốc phòng và an ninh cho toàn dân; xây dựng công nghiệp quốc phòng, an ninh; bảo đảm trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân, kết hợp quốc phòng, an ninh với kinh tế, kinh tế với quốc phòng, an ninh; thực hiện chính sách hậu phương quân đội; bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, chiến sỹ, công nhân, viên chức phù hợp với tính chất hoạt động của Quân đội nhân dân, Công an nhân dân; xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân hùng mạnh, không ngừng tăng cường khả năng bảo vệ Tổ quốc.
Kỷ niệm 138 năm ngày Quốc tế Lao động 1/5/2024 là dịp để chúng ta ôn lại lịch sử đấu tranh, xây dựng và trưởng thành của giai cấp công nhân; khẳng định vai trò, vị trí, những đóng góp to lớn của lực lực lượng công nhân và người lao động cho sự phát triển của xã hội. 
Điều 112 Bộ luật lao động năm 2019 quy định người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong Ngày Quốc tế lao động 1 tháng 5.
Ngày nay, Ngày Quốc tế Lao động 1/5 đã trở thành ngày hội của nhân dân lao động Việt Nam, ngày biểu thị tình đoàn kết hữu nghị với giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới./.

Tác giả: quản trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây