GIỚI THIỆU CHUNG

          I. KHÁI QUÁT VỀ ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN, KINH TẾ, XÃ HỘI
          I.1. Điều kiện tự nhiên
          1. Vị trí địa lý

          Gò Dầu là huyện trọng điểm phía Nam của tỉnh Tây Ninh, nằm cách thành phố Tây Ninh khoảng 35 km và cách thành phố Hồ Chí Minh 52 km, cách biên giới Vương quốc Campuchia 12 km về phía Đông. Tổng diện tích tự nhiên theo kết quả kiểm kê đất đai năm 2019 và thống kê đất đai đến 31/12/2023 của huyện là 25.995,75 ha chiếm 6,42 % tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh và đứng thứ 6 trong số 9 huyện, thị xã của tỉnh.
          Căn cứ theo bản đồ hệ UTM đang sử dụng, huyện Gò Dầu có toạ độ địa lý nằm trong khoảng 106010’ đến 106020’ kinh độ Đông và 11003’đến 11015’ vĩ độ Bắc. Vị trí tiếp giáp:
          + Phía Đông và Nam giáp thị xã Trảng Bàng;
          + Phía Tây giáp huyện Bến Cầu;
          + Phía Bắc giáp thị xã Hoà Thành và huyện Dương Minh Châu.
           Huyện có 01 thị trấn và 08 xã là Cẩm Giang, Thạnh Đức, Hiệp Thạnh, Phước Trạch, Phước Thạnh, Bàu Đồn, Phước Đông, Thanh Phước và thị trấn Gò Dầu. Thị trấn Gò Dầu là Trung tâm hành chính, kinh tế xã hội của huyện. Huyện Gò Dầu có hệ thống giao thông khá phát triển bao gồm các tuyến đường Xuyên Á, Quốc lộ 22B.
Với vị trí kết nối giữa thành phố Hồ Chí Minh và thủ đô PhnômPênh vương quốc Campuchia tạo điều kiện thuận lợi để huyện Gò Dầu giao lưu, trao đổi hàng hoá, phát triển kinh tế xã hội khá toàn diện, hình thành điểm trung chuyển hàng hoá trong huyện và với các vùng xung quanh, là điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của huyện nói riêng và trong tỉnh nói chung.
            2. Địa hình, địa mạo
            Nhìn tổng quát, địa hình toàn huyện có hướng nghiêng từ Đông Bắc xuống Tây Nam. Độ cao trung bình so với mực nước biển trung bình từ 5 đến 10 mét, vùng gò cao ở khu vực Đông Bắc và thấp dần xuống hướng Tây Nam, nơi thấp nhất là vùng trũng sông Vàm Cỏ Đông với độ cao chỉ 1-5m so với mực nước biển, được phân chia thành các dạng:
Dạng địa hình gò đồi: dạng gò đồi chiếm gần 2/3 diện tích, thích hợp với các loại cây công nghiệp ngắn ngày. Độ dốc 2-80, dạng địa hình này có ở các xã
             Phước Đông, Bàu Đồn, Thạnh Đức.
             Dạng địa hình đồng bằng: chiếm hơn 1/3 diện tích, nằm ven sông Vàm Cỏ Đông và các con rạch, đất phù sa màu mỡ, thích hợp với cây lúa. Bao gồm các thềm sông có độ cao từ 5-10 m, địa hình này phân bổ dọc Vàm Cỏ Đông tập trung ở các xã Thạnh Đức, Phước Trạch, Thanh Phước.
Thống kê diện tích đất theo độ dốc địa hình cho thấy, địa hình có độ dốc thấp hơn 3o (cấp I), rất thuận lợi cho sử dụng đất và sản xuất nông nghiệp chiếm tới 65,48 % diện tích tự nhiên toàn huyện; độ dốc 3 - 8o (cấp II), thuận lợi cho sử dụng đất và sản suất nông nghiệp chiếm tới 34,52 %.
             Nhìn chung, huyện Gò Dầu có nhiều thuận lợi để bố trí các công trình hạ tầng cơ sở, các công trình công nghiệp và các công trình dân dụng, dân sinh khác.
             3. Khí hậu
             Khí hậu mang đặc trưng khí hậu nhiệt đới gió mùa được chia ra làm hai mùa rõ rệt, mùa mưa và mùa khô. Mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 11 và mùa khô bắt đầu từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau. Khí hậu trên địa bàn huyện tương đối ôn hoà, cùng với chế độ bức xạ dồi dào, nhiệt độ cao và ổn định thuận lợi cho phát triển nông nghiệp đa dạng, đặc biệt là các loại cây công nghiệp, cây ăn quả, cây dược liệu và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Mặt khác, huyện Gò Dầu ít chịu ảnh hưởng của gió bão và những yếu tố bất lợi khác.
Chế độ bức xạ: Tổng lượng bức xạ dồi dào, trung bình trên 13,6 kcal/cm2/năm và phân bố không đều trong năm. Thời gian có bức xạ cao nhất vào tháng 3 trong năm (16 kcal/cm2/năm) và thấp nhất vào tháng 9 (09 kcal/cm2/năm). Chế độ bức xạ cao và ổn định là một yếu tố khí hậu thuận lợi để phát triển nông nghiệp có năng suất sinh học cao.
Chế độ nhiệt: có chế độ nhiệt cao và ổn định. Nhiệt độ trung bình 26 - 270C. Chênh lệch nhiệt độ trung bình các tháng trong năm từ 3 - 40C giữa các tháng nóng nhất (tháng 4) và lạnh nhất (tháng 11 đến tháng 1 năm sau), nhưng lại có biên độ nhiệt ngày đêm lại khá cao (từ 8 - 10oC vào các tháng mùa khô). Chế độ nhiệt cao, ổn định và biên độ nhiệt lớn là yếu tố thích hợp để phát triển các loại cây công nghiệp và cây có quả như điều, tiêu, cao su ….
            Chế độ nắng: số giờ nắng khá cao, giao động trung bình từ 2.700 - 2.800 giờ/năm. Vào mùa khô, số giờ nắng cao hơn, trung bình 8 - 9 giờ/ngày. Vào mùa mưa số giờ nắng trung bình từ 6 - 7 giờ nắng/ngày.
            Chế độ gió: Có hai loại gió thịnh hành ở huyện Gò Dầu nói chung và tỉnh
            Tây Ninh nói riêng là gió Đông Nam thổi vào mùa khô và gió Tây Nam thổi vào mùa mưa, phù hợp với chế độ trong khu vực. Chế độ gió mùa khô có hướng Bắc - Đông Bắc. Chế độ gió mùa mưa thổi theo hướng Tây - Tây Nam. Tốc độ gió trung bình năm 1,06 m/giây.
           Chế độ mưa: Lượng mưa khá lớn, trung bình 1.900 - 2.300 mm, phân bố không đều trong năm. Vào mùa mưa, có tới 110 - 130 ngày có mưa, chiếm khoảng 85 – 90 % tổng lượng mưa cả năm. Mùa khô lượng mưa thấp nhất vào tháng 1, 2. Chế độ mưa không đều là một trở ngại lớn cho sản xuất và đời sống.
Chế độ ẩm: Độ ẩm không khí tương đối cao, trung bình từ 82 – 83 %; cực đại có thể lên tới 86 – 87 %. Mùa mưa độ ẩm không khí thường cao hơn mùa khô từ 10 – 20 %.
Bên cạnh những thuận lợi, một số hạn chế chủ yếu của khí hậu ở đây là sự biến động và phân hoá rõ rệt của các yếu tố theo mùa. Sự tương phản giữa mùa khô và mùa mưa, về chế độ mưa, chế độ gió và chế độ ẩm ít nhiều gây cản trở cho phát triển sản xuất và đời sống. Lượng mưa lớn và tập trung mùa mưa xảy ra quá trình xói mòn, rửa trôi mạnh..
            4. Chế độ thủy văn
           Sông Vàm Cỏ Đông là sông chính chảy qua huyện Gò Dầu bắt nguồn từ Campuchia chảy qua địa phận huyện ở khu vực phía Tây giáp huyện Bến Cầu. Đoạn sông chảy qua huyện dài gần 37 km qua các xã Cẩm Giang, Thạnh Đức, Phước Trạch, Hiệp Thạnh, thị trấn và Thanh Phước. Nước sông Vàm Cỏ Đông chịu ảnh hưởng của thuỷ triều biển Đông, ảnh hưởng mặn đến Gò Dầu (xã Thanh Phước) độ mặn 4 g/lít, độ mặn này nằm trong giới hạn chịu mặn của cây lúa nước vì vậy ít ảnh hưởng đến sự phát triển và sinh trưởng của cây lúa nước. Các lưu vực sông Vàm Cỏ Đông, rạch Bàu Nâu, rạch Đá Hàng, rạch Nho, suối Cá Nần, suối Bà Tươi... nhỏ hẹp, vừa là đường thuỷ nối sông lớn với nhiều vùng đất, vừa làm ranh giới tự nhiên cho một số xã trong huyện. Sông Vàm Cỏ Đông và các chi lưu thường xuyên có nước chảy đều đặn, vừa đảm bảo cho thuyền ghe lưu thông được quanh năm, vừa là môi trường tốt cho các loài thuỷ hải sản sinh sống và phát triển. Hệ số uốn khúc 1,78, độ dốc lòng sông 0,4 %, nơi sâu nhất 16 m, nông nhất 8 m, nơi rộng nhất 350 m, hẹp nhất 120 m, lưu lượng nước trung bình khoảng 91,2 m3/s. Đặc trưng chủ yếu của hệ thống sông Vàm Cỏ Đông là thời gian tập trung cường suất lũ chậm, lưu vực tương đối bằng phẳng.
Rạch Cẩm Giang bắt nguồn từ huyện Dương Minh Châu chảy qua xã Cẩm Giang đổ ra sông Vàm Cỏ Đông.
Kế hoạch sử dụng đất năm 2024 của huyện Gò Dầu - tỉnh Tây Ninh

           Rạch Đá Hàng, rạch Nho chảy theo hướng Đông Tây qua các xã Bàu Đồn, Phước Đông, Thạnh Đức, Phước Thạnh, Thị trấn rồi đổ ra sông Vàm Cỏ Đông.
Ngoài ra Gò Dầu còn có hệ thống kênh mương khá hoàn chỉnh gồm: kênh TN.1, N.14, N.16, N.18 thuộc hệ thống kênh Đông của công trình thủy lợi lòng hồ Dầu Tiếng tạo ra một mạng lưới thuỷ văn phân bố tương đối đồng đều trên địa bàn có chức năng quan trọng trong điều hoà sinh thái, khai thác thuỷ lợi và thuỷ sản phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đây là những nguồn cung cấp nước sinh hoạt chủ yếu cho các vùng dân cư của các xã trên địa bàn toàn huyện.
Nhìn chung hệ thống sông, kênh, rạch của Huyện thuận lợi cho việc phát triển hệ thống giao thông đường thuỷ, thủy lợi và phát triển kinh tế xã hội.

           Nhân dân Gò Dầu có tinh thần yêu nước và tính cần cù chịu khó. Phát huy những thành quả to lớn mà Gò Dầu đã dành được trong sự nghiệp phấn đấu giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ tổ quốc, nhất là phát huy truyền thống anh hùng 2 lần " Quyết tử giữ Gò Dầu" Ban Thường vụ Huyện uỷ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sự điều hành của UBND huyện, xã, thị trấn hoạt dộng tích cực của Mặt trận Tổ Quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội cùng với sự đồng thuận của nhân dân trong huyện quyết tâm xây dựng Gò Dầu ngày càng vững mạnh hơn, trong 40 năm qua, Đảng bộ nhân dân huyện Gò Dầu không ngừng phấn đấu vượt qua muôn ngàn khó khăn, thách thức và đạt được những thành tựu khả quan trên nhiều lĩnh vực. Nhiều chỉ tiêu về kinh tế, xã hội đều đạt và vượt nghị quyết đề ra; tốc độ tăng trưởng kinh tế khá ; hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm, bộ mặt thị trấn, nông thôn có nhiều khởi sắc; văn hoá – xã hội có nhiều tiến bộ, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được tiếp tục nâng lên; an ninh chính trị được giữ vững ổn định, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; công tác quốc phòng được thực hiện tốt; hệ thống chính trị được kiện toàn củng cố, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội phát huy được vai trò của mình trong việc tổ chức và phát động các phong trào thi đua trong các tầng lớp nhân dân nhất là việc học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

         Trên tinh thần đó, Đảng bộ và nhân dân huyện Gò Dầu tiếp tục thực hiện công cuộc đổi mới. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của huyện, huy động mạnh mẽ các nguồn lực, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá gắn với đảm bảo an sinh xã hội và bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước, tăng cường tiềm lực quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh; thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ, góp phần đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước hội nhập quốc tế.

         Về cơ cấu tổ chức bộ máy UBND huyện gồm có 01 Chủ tịch, 02 Phó Chủ tịch và 12 Uỷ viên Ủy ban nhân dân. Huyện Gò Dầu có 11 cơ quan chuyên môn và 50 đơn vị sự nghiệp.

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập30
  • Máy chủ tìm kiếm7
  • Khách viếng thăm23
  • Hôm nay2,477
  • Tháng hiện tại96,914
  • Tổng lượt truy cập2,766,369
đường dây nóng
lịch công tác
trả lời kiến nghị người dân
lịch tiếp dâncủa lãnh đạo
dv công tỉnh
danh mục thủ tục hành chính
cổng dv công
hệ thống 1022
tuyên truyền phổ biến pháp luật
csdl quốc gia
tổng đều tra kinh tế
chuyển đổi số
hệ thống lấy số tự động
Bộ pháp điển
thống kê báo cáo đăng ký
hướng dẫn thực hiện dịch vụ công trực tuyến
Công báo nước VN
hỏi đáp
hộp thư điện tử
csdl quốc gia về vb pháp luật
Công báo Tây Ninh
công khai minh bạch
góp ý văn bản pháp luật
Học tập làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Xây dựng Đảng
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu Tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây