KỸ NĂNG TÌM HIỂU, KHAI THÁC, TRA CỨU PHÁP LUẬT
Trong những năm qua, người dân ngày càng tích cực chủ động nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật để thực hiện, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận người dân trong quá trình tìm hiểu, khai thác pháp luật còn gặp khó khăn, lúng túng.
Sau đây là hướng dẫn một số kỹ năng tìm hiểu, khai thác, tra cứu pháp luật cho người dân:
1. Một số nguyên tắc cần ghi nhớ khi tra cứu, áp dụng văn bản pháp luật:
- Bảo đảm tính hiệu lực:
+ Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng từ thời điểm bắt đầu có hiệu lực.
+ Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng đối với hành vi xảy ra tại thời điểm mà văn bản đó đang có hiệu lực. Trong trường hợp quy định của văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực trở về trước thì áp dụng theo quy định đó.
+ Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn.
+ Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau.
+ Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật mới không quy định trách nhiệm pháp lý hoặc quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn đối với hành vi xảy ra, trước ngày văn bản có hiệu lực thì áp dụng văn bản mới.
+ Việc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật trong nước không được cản trở việc thực hiện điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật trong nước và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó, trừ Hiến pháp.
- Bảo đảm tính chính xác: Các văn bản, điều luật phải được trích dẫn chính xác, bảo đảm hiểu đúng quy phạm pháp luật.
- Bảo đảm tính đầy đủ, toàn diện: Khi tra cứu cần phải tìm kiếm đầy đủ các quy định của pháp luật liên quan đến sự việc chứ không phải chỉ áp dụng duy nhất một luật chuyên ngành dẫn đến thiếu sót, không đầy đủ thông tin, từ đó phân tích vấn đề có thể sai hoặc không đầy đủ.
Tuy nhiên, việc bảo đảm tìm ra đầy đủ văn bản pháp luật có liên quan không phải là đơn giản. Phương pháp tra cứu là: Tra cứu theo từ khóa; tra cứu theo cấp bậc từ luật chuyên ngành, nghị định, thông tư liên quan còn hiệu lực…
2. Nguồn tra cứu, tìm kiếm văn bản pháp luật
- Tra cứu, tìm kiếm các văn bản pháp luật được in trên giấy: Có thể tìm kiếm tại Tủ sách pháp luật của cơ quan, đơn vị; Tủ sách pháp luật ở cơ sở; Nhà sách.
- Tra cứu, tìm kiếm bằng Internet:
+ Có thể tìm trên google, tuy nhiên, kết quả đổ ra không phải nguồn thông tin nào cũng chính thống nên dễ xảy ra sai sót. Hiện nay, có rất nhiều đơn vị cung cấp phần mềm tra cứu hệ thống văn bản pháp luật trực tuyến, nhưng phải lựa chọn các trang web chính thống, uy tín, tin cậy.
+ Một trong số trang dữ liệu pháp luật chính xác, có thời gian cập nhật nhanh là:
(i) Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật: http://vbpl.vn.
Để tra cứu hiệu lực, các văn bản liên quan đến văn bản cần tìm kiếm trên Cơ sở dữ liệu quốc gia, người đọc có thể xem các trường thông tin “Thuộc tính”, “Lịch sử”, “Văn bản liên quan”, “Lược đồ” khi văn bản cần tìm kiếm đã hiện ra.
(ii) Trang web văn bản của Chính phủ: http://vanban.chinhphu.vn.
(iii) Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp: www.moj.gov.vn.
(iv) Trang web hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Văn phòng Quốc hội: http://vietlaw.gov.vn.
(v) Trang chủ quản của đơn vị ban hành văn bản:
Ví dụ, tìm kiếm văn bản về đất đai có thể vào cổng thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường: www.monre.gov.vn; tìm kiếm văn bản trong lĩnh vực tài chính có thể vào cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính: www.mof.gov.vn.
(vi) Trang thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Tây Ninh: https://pbgdpl.tayninh.gov.vn./.
Tác giả: quản trị
Ý kiến bạn đọc