Nuôi con nuôi là việc xác lập quan hệ cha mẹ và con giữa người nhận con nuôi (cha mẹ nuôi) với người được nhận làm con nuôi.
Quy định pháp luật về nuôi con nuôi:
Ý nghĩa của việc nuôi con nuôi là bảo đảm cho người được nhận làm con nuôi được trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục phù hợp với đạo đức xã hội và bảo đảm cho người nhận nuôi con nuôi được quan tâm, chăm sóc, nuôi dưỡng khi già yếu, ốm đau, tàn tật. Việc nuôi con nuôi phải tuân theo các quy định của pháp.
Việc nuôi con nuôi phải được đăng kí tại Uỷ ban nhân dân cơ sở (hoặc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh nếu là nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài) nơi cư trú của người nuôi hoặc của con nuôi. Bên giao, bên nhận, con nuôi phải cùng có mặt và cùng kí tên vào sổ đăng kí nhân nuôi con nuôi và biên bản giao, nhận con nuôi. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cơ sở (hoặc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh) kí và trao cho mỗi bên một bản chính quyết định công nhận nuôi con nuôi. Kể từ ngày các bên nhận quyết định công nhận nuôi con nuôi, giữa người nhận nuôi và người được nuôi có các quyền và nghĩa vụ của cha mẹ và con. Việc nuôi con nuôi có thể được chấm dứt do sự thoả thuận của các bên hoặc theo quy định của pháp luật. Kể từ ngày quyết định chấm dứt nuôi con nuôi của Toà án có hiệu lực pháp luật, quan hệ giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi chấm dứt. Một người có thể nhận nhiều người làm con nuôi, nhưng một người chỉ có thể làm con nuôi của một người hoặc của hai người là vợ chồng. Nhà nước khuyến khích việc nhận trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi, trẻ bị tàn tật làm con nuôi. Pháp luật nghiêm cấm lợi dụng việc nuôi con nuôi để bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục, mua bán trẻ em hoặc vì mục đích trục lợi khác.
Chấm dứt việc nuôi con nuôi là kết thúc các nghĩa vụ và quyền giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi.
Quy định pháp luật về chấm dứt việc nuôi con nuôi:
Chấm dứt việc nuôi con nuôi là biện pháp pháp lí nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con nuôi và cha, mẹ nuôi. Chấm dứt việc nuôi con nuôi do Toà án quyết định khi việc nuôi con nuôi không đạt được mục đích và ý nghĩa xã hội của nó, làm cho tình cảm giữa cha, mẹ nuôi và con nuôi không còn nữa hoặc trên sự tự nguyện của cha, mẹ nuôi và con nuôi đã thành niên. Bên cạnh đó, biện pháp huỷ việc nuôi con nuôi cũng được pháp luật quy định trong trường hợp cha, mẹ nuôi không thực hiện đúng mục đích và ý nghĩa xã hội của việc nuôi con nuôi hoặc con nuôi có hành vi xâm phạm thân thể, nhân phẩm của cha, mẹ nuôi. Việc huỷ công nhận nuôi con nuôi hoặc huỷ việc nuôi con nuôi cũng dẫn đến hậu quả làm chấm dứt việc nuôi con nuôi.
Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định việc chấm dứt việc nuôi con nuôi trong các trường hợp:
1) Cha, mẹ nuôi và con nuôi đã thành niên tự nguyện chấm dứt quan hệ nuôi con nuôi;
2) Con nuôi bị kết án về một trong các tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của cha, mẹ nuôi; ngược đãi, hành hạ cha, mẹ nuôi hoặc có hành vi phát tán tài sản của cha, mẹ nuôi;
3) Cha, mẹ nuôi đã có hành vi lợi dụng việc nuôi con nuôi để bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục, mua bán trẻ em hoặc vì mục đích trục lợi khác; cha, mẹ nuôi là người đang bị hạn chế một số quyền của cha mẹ đối với con chưa thành niên hoặc bị kết án mà chưa được xoá án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của người khác; ngược đãi hoặc hành hạ ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình; dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người chưa thành niên phạm pháp; mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em; các tội xâm phạm tình dục đối với trẻ em; có hành vi xúi giục, ép buộc con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.
Tác giả: quản trị
Ý kiến bạn đọc