Số lượng người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đã tăng lên đáng kể qua các năm, từ vài nghìn người những năm đầu 1990, đến vài chục nghìn những năm tiếp theo và những năm gần đây có trên 100 nghìn người, cụ thể: Năm 2016: 126 nghìn; 2017: 135 nghìn; 2018: 143 nghìn; 2019: 152 nghìn. ( nguồn dân sinh cơ quan của Bộ LĐ-TB&XH).
Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) được Quốc hội khóa XIV, Kỳ họp thứ 10 thông qua vào ngày 13-11-2020. Luật gồm 8 chương, 74 điều và sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2022.
Điểm mới đáng chú ý tại Luật sửa đổi lần này là quy định quyền của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng không phải đóng bảo hiểm xã hội hoặc thuế thu nhập cá nhân hai lần ở Việt Nam và ở nước tiếp nhận lao động nếu Việt Nam và nước đó đã ký hiệp định về bảo hiểm xã hội hoặc hiệp định tránh đánh thuế hai lần…
Người lao động còn được đảm bảo các quyền như: Đơn phương chấm dứt hợp đồng khi bị người sử dụng lao động ngược đãi, cưỡng bức lao động hoặc có nguy cơ rõ ràng đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe hoặc bị quấy rối tình dục trong thời gian làm việc ở nước ngoài; được bảo hộ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng trong thời gian làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng phù hợp với pháp luật Việt Nam, pháp luật của nước tiếp nhận lao động, pháp luật và thông lệ quốc tế…
Điều 7 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) cũng bổ sung nhiều hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng như:
- Lôi kéo, dụ dỗ, hứa hẹn, quảng cáo, cung cấp thông tin gian dối hoặc dùng thủ đoạn khác để lừa đảo người lao động; lợi dụng hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để tổ chức xuất cảnh trái phép, mua bán người, bóc lột, cưỡng bức lao động
- Phân biệt đối xử, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người lao động; cưỡng bức lao động trong lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; áp dụng các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác, ngoài ký quỹ và bảo lãnh; thu tiền môi giới của người lao động; thu tiền dịch vụ của người lao động không đúng quy định; sử dụng Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước không đúng quy định của pháp luật.
- Đi làm việc hoặc đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài với các công việc sau: mát-xa tại nhà hàng, khách sạn hoặc trung tâm giải trí; săn bắt thú dữ, cá sấu, cá mập; liệm, mai táng tử thi, thiêu xác chết, bốc mồ mả; công việc thường xuyên ở nơi thiếu không khí, áp suất lớn như dưới lòng đất, đại dương…
Ý kiến bạn đọc