Phương thức, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng và các giải pháp phòng ngừa

Thứ năm - 03/08/2023 09:26 88 0
Phương thức, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng và các giải pháp phòng ngừa

Phương thức, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng và các giải pháp phòng ngừa

( Nguồn https://pbgdpl.tayninh.gov.vn/)

Hình ảnh nguồn Internet
Hình ảnh nguồn Internet

Công an tỉnh Tây Ninh thông báo phương thức, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng và các giải pháp phòng ngừa:

I. CÁC PHƯƠNG THỨC, THỦ ĐOẠN PHỔ BIẾN
1. Giả danh cơ quan thực thi pháp luật như Công an, Viện kiểm sát, Tòa án gọi điện thoại cho nạn nhân nói có liên quan đến vụ án đang điều tra và yêu cầu lập tài khoản ngân hàng chuyển tiền cho đối tượng để điều tra làm rõ.
Điển hình: Bà L.K.H, ngụ khu phố Ninh Phước, phường Ninh Thạnh, thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh nhận được cuộc gọi điện thoại từ số lạ, người nam tự xưng cán bộ Cơ quan Công an Đà Nẵng thông báo bà H có liên quan đến vụ án ma tuý do đối tượng tên Phan Văn Long cầm đầu mà Công an Đà Nẵng đang thụ lý điều tra, đối tượng Long khai nhận mỗi tháng chuyển khoản cho bà H số tiền 2.000.000.000đ. Đối tượng yêu cầu bà H hợp tác điều tra nếu không hợp tác sẽ bắt giữ bà H và hướng dẫn bà H mở tài khoản nộp tiền vào để chứng minh không có liên quan đến tội phạm, sau khi chứng minh xong bà H có thể rút lại tiền đã nộp. Bà H tin tưởng nên đã nhiều lần chuyển tiền do đối tượng chỉ định vào nhiều tài khoản khác nhau với tổng số tiền 3.067.004.000đ và bị chiếm đoạt.
2. Bẩy tình trên mạng xã hội: Lên mạng làm quen, giới thiệu doanh nhân, quân nhân nói là ở nước ngoài rồi gửi tiền, quà giá trị lớn về và giả danh nhân viên sân bay, hải quan yêu cầu nộp thuế, phí.
Điển hình: Qua điện thoại di động, đối tượng tự xưng là Nguyễn Thị Huyền Anh là nhân viên của sân bay Tân Sơn Nhất làm ở bộ phận kiểm tra hành lý gọi điện thoại vào số điện thoại chị L hỏi có phải là T.T.L nhà ở xã Tân Thành, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh không, chị L trả lời là đúng. Qua nội dung điện thoại, đối tượng Huyền Anh cho biết chị L có gói quà từ Đài Loan gửi về cho chị L bên trong gói quà có vàng và tiền đô la Mỹ và yêu cầu chị L gửi số tiền 25.000.000đ (Hai mươi lăm triệu đồng) vào số tài khoản đối tượng chỉ định để đóng thuế. Chị L tin tưởng chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng theo yêu cầu thì đối tượng Huyền Anh tiếp tục lấy nhiều lý do và đưa ra những tình huống rất hợp lôgic để tạo lòng tin cho chị L và yêu cầu chị L đóng thêm nhiều khoản phí khác. Chị L chuyển tiền nhiều lần với tổng số tiền 736.760.000đ và bị chiếm đoạt.
3. Thủ đoạn chuyển tiền làm từ thiện: Giả vờ là người nước ngoài muốn chuyển tiền về Việt Nam làm từ thiện, nạn nhân sẽ được hưởng 30 đến 40%, giả danh nhân viên sân bay, hải quan yêu cầu nộp thuế, phí.
Điển hình: Qua mạng xã hội Viber, bà V.K.T, ngụ khu phố Thanh Bình C, thị trấn Gò Dầu, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh kết bạn với người có tài khoản Viber tên Đúng Anh. Ngày 14/02/2023, Đúng Anh nhắn tin cho bà T nói đã chuyển 30.000USD vào số tài khoản ngân hàng của bà T là quà tặng nhân dịp ngày lễ tình nhân nhưng do chuyển bằng ngân hàng quốc tế nên 07 ngày bà T mới nhận được tiền. Ngày 17/02/2023, Đúng Anh nói với bà T là con bị bệnh đang cần tiền gấp nên kêu bà T chuyển tiền cho Đúng Anh mượn để chữa trị bệnh cho con thì bà T đồng ý. Sau đó, Đúng Anh kêu bà T nhiều lần chuyển tiền vào các tài khoản do Đúng Anh cung cấp, bà T chuyển hết 387.410.000đ vào các số tài khoản trên. Ngày 22/02/2023, bà T nói với Đúng Anh là chưa nhận được 30.000USD. Đúng Anh trả lời do tài khoản của bà T không nhận được tiền USD nên kêu bà T chuyển tiền để Đúng Anh tạo tài khoản quốc tế dùm cho bà T để nhận tiền. Sau đó, bà T tiếp tục chuyển 530.000.000đ vào số tài khoản 101871728194 của Ngân hàng Vietinbank nhưng không nhận được tiền từ Đúng Anh. Do nghi ngờ đã bị lừa đảo nên bà T đến Công an huyện Gò Dầu trình báo vụ việc.
4. Giả nhân viên siêu thị thông báo được khuyến mãi, tặng quà, trúng thưởng và yêu cầu đóng tiền phí.
Điển hình: Qua điện thoại di động, bà p, ngụ ấp 4, xã Bàu Đồn, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh bị một đối tượng nam tên Ngô Việt Anh tự xưng là cán bộ Công an hình sự gọi điện thoại thông báo bị hại N có hồ sơ bảo hiểm được thanh toán với số tiền 29.850.000đ, bà N nói không có hồ sơ bảo hiểm thanh toán. Sau đó, tiếp tục có đối tượng nam khác tên Lê Viết Xuân tự xưng là cán bộ Viện kiểm sát sử dụng điện thoại gọi cho bà N nói sẽ xác minh, làm rõ số tiền thanh toán bảo hiểm và nói tài khoản ngân hàng của bà N liên quan đến đường dây rửa tiền và mua bán mua túy nên bà N sẽ bị bắt tạm giam 03 tháng. Nếu bà N muốn chứng minh tài khoản mình trong sạch thì chuyển tiền vào số tài khoản do Xuân để giải quyết. Do sợ bị bắt giam nên bà N đã chuyển số tiền 835.000.000đ. Sau đó, tiếp tục có đối tượng nam tên Nguyễn Văn Thăng tự xưng là thanh tra viên nói tiếp muốn chứng minh tài khoản mình trong sạch thì chuyển thêm 500.000.000đ, bà N trả lời không còn tiền nhưng Thăng vẫn nhiều lần gọi điện thoại yêu cầu bà N chuyển tiền. Bà N nghi ngờ mình bị lừa nên đến Cơ quan Công an để trình báo.
5. Thủ đoạn cho vay tiền các app vay tiền trên mạng, khi đăng ký vay sẽ nói làm hồ sơ bị sai và yêu cầu chuyển tiền để sửa hồ sơ.
Điển hình: Qua mạng xã hội, anh Đ.V.A, ngụ ấp Tân Trung B, xã Tân Hưng, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh biết đến ứng dụng “Vay An Tâm” là ứng dụng vay tiền qua điện thoại, anh A được nhân viên tư vấn hướng dẫn tạo tài khoản và thao tác để vay tiền từ app. Anh A vay 500.000.000 đồng (Năm trăm triệu đồng) được App chuyển số tiền 735.000.000 đồng vào trong ví tiền của App, số tiền này vượt số tiền anh A vay là 235.000.000 đồng. Anh A thao tác chuyển toàn bộ số tiền trên vào tài khoản của mình thì App báo về không thực hiện được giao dịch. Lúc này, nhân viên tư vấn của App thông báo anh A đã vi phạm hợp đồng vay tiền. Do đó, khoản vay của anh A không được giải ngân, đồng thời yêu cầu anh A phải nạp số tiền 250.000.000 đồng (Hai trăm năm mươi triệu đồng) là số tiền anh A đã vi phạm hợp đồng vào tài khoản do đối tượng chỉ định thì nhân viên App sẽ hỗ trợ giải ngân số tiền vay cho A. Anh A làm theo hướng dẫn, nhân viên tiếp tục thông báo cú pháp sai. Cứ như vậy, anh A đã chuyển tổng cộng 22 lần chuyển tiền, với tổng số tiền đã chuyển là 2.158.000.000 đồng và bị chiếm đoạt.
6. Lừa đảo tìm người làm việc tại nhà, muốn nhận sản phẩm phải đặt cọc, sau khi nhận cọc thì không liên lạc được.
Điển hình: Qua điện thoại di động, anh C.D.L, ngụ khu phố 3, phường 2, thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh được đối tượng tên Nhân không rõ nhân thân lai lịch giới thiệu là nhân viên công ty truyền thông quảng cáo rủ tham gia làm cộng tác viên Follow cho các nhân vật nổi tiếng trên ứng dụng Tiktok được trả phí thông qua mạng xã hội, sau đó rủ anh L đầu tư “Từ thiện xã hội” thông qua ứng dụng Telegram và đường link “https://reoi265r.com/mobile/#/” trên điện thoại di động để thực hiện nhiệm vụ, khi thực hiện hoàn thành nhiệm vụ được giao mỗi nhiệm vụ được trả lợi nhuận từ 20% đến 50% vốn đầu tư. Anh L tin nên đã nhiều lần chuyển tiền do đối tượng chỉ định vào các số tài khoản khác nhau với tổng số tiền là 1.198.078.375đ (Một tỷ một trăm chín mươi tám triệu không trăm bảy mươi tám ngàn ba trăm bảy mươi lăm đồng) để được hưởng lợi nhuận. Sau khi chuyển tiền theo yêu cầu thì các đối tượng đăng xuất anh L khỏi nhóm trong ứng dụng Telegram và đường link “https://reoi265r.com/mobile/#/” không truy cập được nữa, anh L mới biết bị lừa đảo.
7. Lừa đảo làm nhiệm vụ cộng tác viên bán hàng qua ứng dụng lazada, shoope hoặc ứng dụng lạ, yêu cầu làm nhiệm vụ 01, 02 lần với số tiền nhỏ sẽ được hoàn tiền và hưởng 20% đến 40%. Sau đó yêu cầu làm nhiệm vụ với số tiền lớn và thông báo bị lỗi, yêu cầu đóng tiền tiếp để chiếm đoạt.
Điển hình: Qua mạng xã hội, bà Đ.H.H, đối tượng sử dụng tài khoản Zalo Lê Trọng Việt kết bạn và tư vấn làm cộng tác viên trên hệ thống bán hàng Lazada để kiếm thêm thu nhập, bà H đồng ý và cung cấp thông tin cá nhân cho đối tượng và được hướng dẫn thực hiện công việc như sau: Đối tượng gửi cho bà H 01 đường dẫn, khi bà H nhấn vào đường dẫn này thì sẽ hiện ra thông tin và giá tiền sản phẩm. Bà H chuyển số tiền của sản phẩm vào tài khoản 04101010733378 tên TRAN KIM HONG để hoàn thành nhiệm vụ và nhận lại số tiền hoa hồng từ 8% đến 20% (tùy theo giá của sản phẩm). Sau đó, bà H bị nhóm đối tượng này lừa đảo chuyển 659.950.000đ vào tài khoản 04101010733378 và bị chiếm đoạt.
8. Lập sàn giao dịch ảo: Lôi kéo tham gia nhóm kín, gửi link để thanh toán trực tuyến. Yêu cầu nạn nhân chuyển tiền trước đặt cọc rồi chiếm đoạt toàn bộ số tiền.
Điển hình: Qua mạng xã hội Telegram, bà H.T.T.T, ngụ khu phố Hiệp Long, phường Hiệp Tân, thị xã Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh bị đối tượng không rõ nhân thân lai lịch rủ rê tham gia đầu tư ngoại tệ thu lợi nhuận qua ứng dụng Radian trên điện thoại di động, bà T tin nên nộp tiền vào tài khoản ngân hàng do bị hại T đứng tên sau đó nhiều lần chuyển tiền do đối tượng chỉ định vào các số tài khoản khác nhau với tổng số tiền là 2.609.245.423đ để đối tượng hướng dẫn đặt lệnh mua ngoại tệ nhằm thu lợi nhuận. Bà T đề nghị được rút tiền lời và tiền đã đầu tư nhưng đối tượng đưa ra nhiều lý do khác nhau và yêu cầu bà T phải nộp thêm tiền, lúc này bà T mới biết mình bị lừa.
9. Lừa đảo đặt tiệc nhà hàng, quán ăn: Các đối tượng gọi điện thoại đến các nhà hàng, quán ăn để đặt tiệc, đồng thời yêu cầu phải có 01 loại rượu vang ngoại nhập theo chỉ định của đối tượng (hoặc các loại đồ uống khác mà nhà hàng không có sẵn), sau đó giới thiệu cho nhà hàng chuyển tiền đặt cọc trước để hưởng hoa hồng, sau đó chiếm đoạt tiền.
Điển hình: Qua điện thoại di động, ông N.V.T chủ quán ăn tại khu phố 4, phường 3, thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh bị đối tượng lừa đảo liên hệ đặt món ăn để tiếp khách, đối tượng yêu cầu loại rượu cao cấp mà quán không rồi cho số điện thoại để ông T liên hệ đặt mua, đối tượng thanh toán lại sau. Ông T chuyển số tiền 70.577.000đ để mua rượu và quà biếu khách dùm đối tượng, tuy nhiên bên cửa hàng bán rượu thông báo ông T chuyển tiền ghi sai nội dung, nên bên cửa hàng không thể xuất hàng được và bên cửa hàng rượu gửi lại mã nội dung chuyển tiền qua Zalo của quán yêu cầu bên quán phải chuyển tiền lại và nhập đúng mã nội dung trên để cửa hàng xuất kho, anh T không đồng ý và yêu cầu bên cửa hàng rượu chuyển tiền trả lại nhưng bên cửa hàng không đồng ý, rồi chặn Zalo của anh T, lúc này anh T mới biết mình bị lừa.
10. Chiếm đoạt tài khoản Facebook, Zalo, hoặc tạo nick giả của người quen biết với bị hại rồi nhắn tin mượn tiền, đối tượng sử dụng phần mềm chỉnh sửa khi gọi trực tiếp hình ảnh giống như người thật nói chuyện.
Điển hình: Qua mạng Facebook, bà M.T.N nhận được tin nhắn đối tượng giả mạo nick Facebook của con bà N là L.T.K.P đang sinh sống và làm việc tại Singapore với nội dung là có bạn làm việc chung với con bà N ở Singapore cần tiền gửi về Việt Nam để mẹ phẩu thuật gan và yêu cầu bà N chuyển tiền vào tài khoản đối tượng chỉ định, còn ở bên Singapore thì con bà N sẽ nhận tiền mặt và hoa hồng. Bà N tin và chuyển khoản với tổng số tiền là 481.000.000đ và bị chiếm đoạt.
11. Gọi điện thoại mời làm việc trên mạng là like bài trên Facebook và làm nhiệm vụ tự cấp.
Điển hình: Chị L.N.D ngụ Gò Dầu, Tây Ninh nhận được cuộc gọi của đối tượng tư vấn mời chị D tham gia làm việc tại nhà, nhiệm vụ là lên mạng like bài trên Facebook, mỗi bài được trả 10.000đ và làm từ 2-4 nhiệm vụ tự cấp, tức chuyển tiền của chị D vào tài khoản của đối tượng chỉ định để được hưởng hoa hồng (chuyển 100.000đ thì được hưởng 30.000đ đến 35.000đ). Cứ như thế, đối tượng câu chị D bằng những thông tin giả như ra thông báo đã nhận được tiền của chị D nếu chị D không nhận lại được số tiền đã chuyển và tiền hoa hồng từ 30-35% thì công ty sẽ đền 300% bằng bản cam kết chuyển qua Zalo cho chị D tin. Cứ như thế, chị D tin đã 19 lần chuyển 1,7 tỷ đồng vào tài khoản của đối tượng. Sau đó đối tượng chiếm đoạt và tắt điện thoại.
Ngoài ra, tội phạm lừa đảo lợi dụng công nghệ AI-Deepfake (làm giả cuộc gọi video có độ chính xác cao, rất khó phân biệt thật giả) nhằm tiếp cận bị hại để thực hiện hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; mạo danh bảo hiểm thông báo nhận tiền trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp, nợ tiền quỹ bảo hiểm xã hội, yêu cầu nạn nhân đóng phí để chiếm đoạt.
II. CÁC GIẢI PHÁP PHÒNG NGỪA
Để chủ động phòng ngừa với tội phạm Lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, Công an tỉnh Tây Ninh đề nghị cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong tỉnh:
1. Chủ động nâng cao cảnh giác, thường xuyên theo dõi, nắm thông tin về phương thức, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo CĐTS trên không gian mạng và tuyên truyền với người thân, gia đình, bạn bè, đồng nghiệp về các phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng lừa đảo để phòng tránh.
2. Khi nhận các cuộc gọi đến bằng điện thoại cố định, người gọi tự xưng là cán bộ các cơ quan nhà nước, đặc biệt là lực lượng Công an để thông báo, yêu cầu điều tra vụ án qua điện thoại. Người dân cần biết, Cơ quan tiến hành tố tụng (Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát) khi làm việc với bị can, nạn nhân, người làm chứng, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án, ... phải gửi giấy triệu tập trực tiếp, trường hợp không giao trực tiếp được thì thông qua chính quyền xã, phường, thị trấn nơi bị can, nạn nhân, người làm chứng, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án, ... đang cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người được triệu tập đang làm việc, học tập để chuyển giao lại cho người được triệu tập. Việc giao nhận giấy triệu tập có ký nhận và ghi rõ ngày, giờ nhận cụ thể. Việc triệu tập không được thực hiện bằng miệng, qua điện thoại hoặc tin nhắn. 
3. Tăng cường tính năng bảo mật các tài khoản mạng xã hội, các tài khoản ngân hàng; không mở các tin nhắn, email từ nguồn không rõ ràng. Không cung cấp các thông tin cá nhân, địa chỉ, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng của mình cho các đối tượng mà mình không quen biết. Thận trọng rà soát và kiểm tra kỹ thông tin trước khi thực hiện các giao dịch chuyển tiền; luôn đề cao cảnh giác khi nhận bất kỳ tin nhắn, cuộc gọi video qua các ứng dụng mạng xã hội với nội dung vay mượn tiền, chuyển tiền gấp. Tuyệt đối không cung cấp, chia sẻ các thông tin có liên quan đến tài khoản ngân hàng, mật khẩu tài khoản (mã OTP) cho bất kỳ ai.
4. Khi mua hàng qua mạng, cần sàng lọc, kiểm tra kỹ thông tin quảng cáo, rao bán về hàng hóa, danh tính người bán hàng, lựa chọn địa chỉ uy tín, hình thức thanh toán minh bạch. Người dân không nên chuyển tiền đặt cọc mua hàng khi không rõ thông tin, danh tính, địa chỉ người bán. Để tránh rủi ro, người mua cần trực tiếp đến cửa hàng hoặc địa chỉ người bán, kiểm tra hàng hóa trước khi mua.
5. Trong mọi trường hợp, không cho mượn, cho thuê các giấy tờ cá nhân như: Căn cước công dân, giấy chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu hoặc thẻ ngân hàng, không bán, cho mượn, cho thuê tài khoản ngân hàng.
6. Trường hợp nghi vấn hoặc phát hiện cá nhân, tổ chức nào có dấu hiệu hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất để đấu tranh, ngăn chặn kịp thời./.

Tác giả: quản trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập9
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm6
  • Hôm nay1,147
  • Tháng hiện tại53,618
  • Tổng lượt truy cập3,623,478
Cổng Văn hoá Du lịch - Gò Dầu
đường dây nóng
lịch công tác
trả lời kiến nghị người dân
lịch tiếp dân của lãnh đạo
dv công tỉnh
danh mục thủ tục hành chính
cổng dv công
hệ thống 1022
tuyên truyền phổ biến pháp luật
csdl quốc gia
tổng đều tra kinh tế
chuyển đổi số
hệ thống lấy số tự động
Bộ pháp điển
hướng dẫn thực hiện dịch vụ công trực tuyến
Công báo nước VN
hỏi đáp
hộp thư điện tử
csdl quốc gia về vb pháp luật
Công báo Tây Ninh
công khai minh bạch
góp ý văn bản pháp luật
Học tập làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Cuộc thi tìm hiểu công tác cải cách hành chính huyện Gò Dầu năm 2024
ATTT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây