HỎI – ĐÁP LUẬT KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH NĂM 2023

Thứ tư - 19/07/2023 15:15 159 0
HỎI – ĐÁP LUẬT KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH NĂM 2023

HỎI – ĐÁP LUẬT KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH NĂM 2023

(Nguồn https://pbgdpl.tayninh.gov.vn)

LUẬT KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH NĂM 2023 (Có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2024)

Ảnh nguồn Internet
Ảnh nguồn Internet

1. Hỏi: Khám bệnh là gì?
Đáp: Khám bệnh là việc người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh sử dụng kiến thức, phương pháp, kỹ thuật chuyên môn để đánh giá tình trạng sức khỏe, nguy cơ đối với sức khỏe và nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người bệnh.
2. Hỏi: Chữa bệnh là gì?
Đáp: Chữa bệnh là việc người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh sử dụng kiến thức, phương pháp, kỹ thuật chuyên môn để giải quyết tình trạng bệnh, ngăn ngừa sự xuất hiện, tiến triển của bệnh hoặc đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người bệnh trên cơ sở kết quả khám bệnh.
3. Hỏi: Từ ngữ “Người bệnh” được hiểu như thế nào?
Đáp: Người bệnh là người sử dụng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.
4. Hỏi: Thế nào là người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh? 
Đáp: Người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh là người đã được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.
5. Hỏi: Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh là gì?
Đáp: Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh là cơ sở đã được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh để cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.
6. Hỏi: Các nguyên tắc trong khám bệnh, chữa bệnh được quy định như thế nào?
Đáp: Các nguyên tắc trong khám bệnh, chữa bệnh được quy định như sau:
- Tôn trọng, bảo vệ, đối xử bình đẳng và không kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người bệnh.
- Ưu tiên khám bệnh, chữa bệnh đối với trường hợp người bệnh trong tình trạng cấp cứu, trẻ em dưới 06 tuổi, phụ nữ có thai, người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng, người từ đủ 75 tuổi trở lên, người có công với cách mạng phù hợp với đặc thù của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
- Tôn trọng, hợp tác, bảo vệ người hành nghề, người khác đang thực hiện nhiệm vụ tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
- Thực hiện kịp thời và tuân thủ quy định về chuyên môn kỹ thuật.
- Tuân thủ quy tắc đạo đức nghề nghiệp trong hành nghề khám bệnh, chữa bệnh do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành.
- Bình đẳng, công bằng giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
7. Hỏi: Nhà nước có chính sách gì về khám bệnh, chữa bệnh?
Đáp: Nhà nước có các chính sách sau đây về khám bệnh, chữa bệnh:
- Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong phát triển hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; huy động các nguồn lực xã hội cho hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.
- Ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước cho các hoạt động sau đây:
+ Phát triển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc y tế cơ sở, hệ thống cấp cứu ngoại viện; tập trung đầu tư cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tại khu vực biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;
+ Khám bệnh, chữa bệnh đối với người có công với cách mạng; trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, người thuộc hộ nghèo, người thuộc hộ cận nghèo; người đang sinh sống ở khu vực biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người mắc bệnh tâm thần, bệnh phong; người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A; người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B theo danh mục do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định;
+ Tăng cường phát triển nguồn nhân lực y tế, đặc biệt là nguồn nhân lực thuộc các lĩnh vực truyền nhiễm, tâm thần, giải phẫu bệnh, pháp y, pháp y tâm thần, hồi sức cấp cứu và chuyên ngành, lĩnh vực khác cần ưu tiên để đáp ứng nhu cầu, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ theo quy định của Chính phủ;
+ Nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, chuyển đổi số trong khám bệnh, chữa bệnh.
 - Khuyến khích thực hiện hợp tác công tư; thực hiện ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được ưu đãi về tín dụng để đầu tư nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh; được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với phần thu nhập không chia mà để lại để đầu tư phát triển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
- Đầu tư cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoạt động không vì mục đích lợi nhuận được xác định thuộc ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư trong Danh mục ngành, nghề ưu đãi đầu tư.
- Thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước.
- Có chính sách đãi ngộ đặc biệt đối với người hành nghề.
- Có chính sách phát triển nguồn nhân lực quản lý, quản trị bệnh viện.
- Phát huy vai trò của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp về khám bệnh, chữa bệnh trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.
- Kế thừa và phát huy y học cổ truyền; kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại.
- Kết hợp quân y và dân y trong khám bệnh, chữa bệnh.
8. Hỏi: Các hành vi nào bị nghiêm cấm trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh?
Đáp:  Trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, các hành vi sau đây bị nghiêm cấm:
- Xâm phạm quyền của người bệnh.
- Từ chối hoặc cố ý chậm cấp cứu người bệnh, trừ trường hợp được từ chối khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của Luật này.
- Khám bệnh, chữa bệnh mà không đáp ứng điều kiện để cá nhân được phép khám bệnh, chữa bệnh quy định tại Luật này.
- Khám bệnh, chữa bệnh không đúng phạm vi hành nghề hoặc phạm vi hoạt động được cơ quan có thẩm quyền cho phép, trừ trường hợp cấp cứu hoặc thực hiện khám bệnh, chữa bệnh theo huy động, điều động của cơ quan có thẩm quyền khi xảy ra thiên tai, thảm họa, dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A hoặc tình trạng khẩn cấp.
- Hành nghề khám bệnh, chữa bệnh ngoài thời gian, địa điểm đã đăng ký hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, trừ trường hợp người hành nghề được khám bệnh, chữa bệnh mà không phải đăng ký hành nghề.
- Không tuân thủ quy định về chuyên môn kỹ thuật; áp dụng phương pháp, kỹ thuật chuyên môn, sử dụng thiết bị y tế chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép.
- Kê đơn, chỉ định sử dụng thuốc chưa được cấp phép lưu hành theo quy định của pháp luật về dược trong khám bệnh, chữa bệnh.
- Có hành vi nhũng nhiễu trong khám bệnh, chữa bệnh.
- Kê đơn thuốc, chỉ định thực hiện các dịch vụ kỹ thuật, thiết bị y tế, gợi ý chuyển người bệnh tới cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác hoặc có hành vi khác nhằm trục lợi.
- Tẩy xóa, sửa chữa hồ sơ bệnh án nhằm làm sai lệch thông tin về khám bệnh, chữa bệnh hoặc lập hồ sơ bệnh án giả hoặc lập hồ sơ bệnh án và các giấy tờ khống khác về kết quả khám bệnh, chữa bệnh.
- Người hành nghề bán thuốc dưới mọi hình thức, trừ các trường hợp sau đây: 
+ Bác sỹ y học cổ truyền, y sỹ y học cổ truyền, lương y bán thuốc cổ truyền; 
+ Người có bài thuốc gia truyền bán thuốc theo bài thuốc gia truyền thuộc quyền sở hữu của mình đã được đăng ký.
- Sử dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác, ma túy, thuốc lá tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc trong khi khám bệnh, chữa bệnh.
- Sử dụng hình thức mê tín, dị đoan trong khám bệnh, chữa bệnh.
- Từ chối tham gia hoạt động khám bệnh, chữa bệnh khi có thiên tai, thảm họa, dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A hoặc tình trạng khẩn cấp theo quyết định huy động, điều động của cơ quan, người có thẩm quyền, trừ trường hợp người hành nghề đang mang thai hoặc đang nuôi con dưới 24 tháng tuổi và trường hợp người hành nghề thuộc nhóm nguy cơ cao đối với các bệnh dịch và trường hợp khác theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.
- Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: 
+ Không có giấy phép hoạt động; 
+ Đang trong thời gian bị đình chỉ hoạt động; 
+ Không đúng phạm vi hoạt động chuyên môn cho phép, trừ trường hợp cấp cứu hoặc thực hiện khám bệnh, chữa bệnh theo quyết định huy động, điều động của cơ quan, người có thẩm quyền khi xảy ra thiên tai, thảm họa, dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A hoặc tình trạng khẩn cấp.
- Thuê, mượn, cho thuê, cho mượn giấy phép hành nghề hoặc giấy phép hoạt động.
- Lợi dụng hình ảnh, tư cách của người hành nghề để phát ngôn, tuyên truyền, khuyến khích người bệnh sử dụng phương pháp khám bệnh, chữa bệnh chưa được công nhận.
- Xâm phạm tính mạng, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người hành nghề và người khác làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc phá hoại, hủy hoại tài sản của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
- Ngăn cản người bệnh thuộc trường hợp bắt buộc chữa bệnh vào cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc cố ý thực hiện bắt buộc chữa bệnh đối với người không thuộc trường hợp bắt buộc chữa bệnh.
- Quảng cáo vượt quá phạm vi hành nghề hoặc vượt quá phạm vi hoạt động chuyên môn đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; lợi dụng kiến thức y học để quảng cáo gian dối về khám bệnh, chữa bệnh.
- Đăng tải các thông tin mang tính quy kết về trách nhiệm của người hành nghề, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi xảy ra sự cố y khoa mà chưa có kết luận của cơ quan có thẩm quyền.
9. Hỏi: Quyền của người bệnh trong khám bệnh, chữa bệnh được quy định như thế nào?
Đáp: Người bệnh trong khám bệnh, chữa bệnh có quyền:
- Được thông tin, giải thích về tình trạng sức khỏe; phương pháp, dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; được hướng dẫn cách tự theo dõi, chăm sóc, phòng ngừa tai biến.
- Được khám bệnh, chữa bệnh bằng phương pháp an toàn phù hợp với bệnh, tình trạng sức khỏe của mình và điều kiện thực tế của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
10. Hỏi: Quyền được lựa chọn trong khám bệnh, chữa bệnh của người bệnh được quy định như thế nào?
Đáp: Trong khám bệnh, chữa bệnh người bệnh có các quyền sau:
- Lựa chọn phương pháp khám bệnh, chữa bệnh sau khi được cung cấp thông tin, giải thích, tư vấn đầy đủ về tình trạng bệnh, kết quả, rủi ro có thể xảy ra, trừ trường hợp người bệnh yêu cầu phương pháp khám bệnh, chữa bệnh không phù hợp với quy định về chuyên môn kỹ thuật.
- Chấp nhận hoặc từ chối tham gia nghiên cứu y sinh học về khám bệnh, chữa bệnh.
11. Hỏi: Quyền được cung cấp thông tin về hồ sơ bệnh án và chi phí khám bệnh, chữa bệnh của người bệnh được quy định như thế nào?
Đáp: Người bệnh có quyền được đọc, xem, sao chụp, ghi chép hồ sơ bệnh án và cung cấp tóm tắt hồ sơ bệnh án theo quy định của Luật này; được cung cấp và giải thích chi tiết về các khoản chi trả dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh khi có yêu cầu.
12. Hỏi: Quyền được từ chối khám bệnh, chữa bệnh và rời khỏi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của người bệnh được quy định như thế nào?
Đáp: Người bệnh có các quyền sau:
- Từ chối khám bệnh, chữa bệnh nhưng phải cam kết tự chịu trách nhiệm bằng văn bản về việc từ chối của mình sau khi đã được người hành nghề tư vấn, trừ các trường hợp bắt buộc chữa bệnh quy định tại Luật này.
- Được rời khỏi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi chưa kết thúc chữa bệnh trái với chỉ định của người hành nghề nhưng phải cam kết tự chịu trách nhiệm bằng văn bản về việc rời khỏi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, trừ các trường hợp bắt buộc chữa bệnh quy định tại Luật này.
13. Hỏi: Quyền kiến nghị và bồi thường của người bệnh được quy định như thế nào?
Đáp: Người bệnh có các quyền sau:
- Kiến nghị về tồn tại, bất cập, khó khăn, vướng mắc và vấn đề khác trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh.
- Được bồi thường khi xảy ra tai biến y khoa theo quy định của này.
14. Hỏi: Nghĩa vụ tôn trọng người hành nghề và người khác làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của người bệnh được quy định như thế nào?
Đáp: Người bệnh có nghĩa vụ tôn trọng người hành nghề; không được đe dọa, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người hành nghề và người khác làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
15. Hỏi: Nghĩa vụ chấp hành các quy định trong khám bệnh, chữa bệnh của người bệnh được quy định như thế nào?
Đáp: Người bệnh có các nghĩa vụ sau:
- Cung cấp trung thực và chịu trách nhiệm về thông tin liên quan đến nhân thân, tình trạng sức khỏe của mình, hợp tác đầy đủ với người hành nghề và người khác làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
- Chấp hành chỉ định về chẩn đoán, phương pháp chữa bệnh của người hành nghề.
- Chấp hành và yêu cầu thân nhân, người đến thăm mình chấp hành nội quy của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh.
16. Hỏi: Người bệnh có nghĩa vụ chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh như thế nào?
Đáp: Người bệnh có nghĩa vụ chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh như sau:
- Người bệnh tham gia bảo hiểm y tế có nghĩa vụ chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh ngoài phạm vi được hưởng và mức hưởng theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.
- Người bệnh không tham gia bảo hiểm y tế có nghĩa vụ chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật.
17. Hỏi: Trường hợp nào người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh bị cấm hành nghề khám bệnh, chữa bệnh?
Đáp: Người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh bị cấm hành nghề trong các trườg hợp sau:
- Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến chuyên môn kỹ thuật.
- Đang trong thời gian thi hành án treo, án phạt cải tạo không giam giữ về hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến chuyên môn kỹ thuật.
- Đang trong thời gian thử thách đối với người bị kết án phạt tù có liên quan đến chuyên môn kỹ thuật nhưng được tha tù trước thời hạn có điều kiện.
- Đang trong thời gian thi hành án phạt tù hoặc đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.
- Đang trong thời gian bị cấm hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo bản án hình sự có hiệu lực pháp luật của tòa án hoặc bị hạn chế thực hiện hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
- Mất năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự.
18. Hỏi: Quyền từ chối khám bệnh, chữa bệnh của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh được quy định như thế nào?
Đáp: Người hành nghề được từ chối khám bệnh, chữa bệnh trong các trường hợp sau đây:
- Tiên lượng tình trạng bệnh vượt quá khả năng hoặc không thuộc phạm vi hành nghề của mình nhưng phải giới thiệu người bệnh đến người hành nghề khác hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác phù hợp để khám bệnh, chữa bệnh và phải thực hiện việc sơ cứu, cấp cứu, theo dõi, chăm sóc, điều trị người bệnh cho đến khi người bệnh được người hành nghề khác tiếp nhận hoặc chuyển đi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác;
- Việc khám bệnh, chữa bệnh trái với quy định của pháp luật hoặc đạo đức nghề nghiệp;
- Người bệnh, thân nhân của người bệnh có hành vi xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng của người hành nghề khi đang thực hiện nhiệm vụ, trừ trường hợp người đó mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà không nhận thức, làm chủ được hành vi;
- Người bệnh yêu cầu phương pháp khám bệnh, chữa bệnh không phù hợp với quy định về chuyên môn kỹ thuật;
- Người bệnh, người đại diện của người bệnh không chấp hành chỉ định về chẩn đoán, phương pháp chữa bệnh của người hành nghề sau khi đã được người hành nghề tư vấn, vận động thuyết phục mà việc không chấp hành này có nguy cơ gây hại đến sức khỏe, tính mạng của người bệnh.
19. Hỏi: Quyền của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh được bảo vệ khi xảy ra sự cố y khoa được quy định như thế nào?
Đáp: Người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh được pháp luật bảo vệ và không phải chịu trách nhiệm khi đã thực hiện đúng quy định mà vẫn xảy ra sự cố y khoa; được đề nghị cơ quan, tổ chức, tổ chức xã hội - nghề nghiệp về khám bệnh, chữa bệnh bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình khi xảy ra sự cố y khoa.
20. Hỏi: Quyền của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh được bảo đảm an toàn khi hành nghề khám bệnh, chữa bệnh được quy định như thế nào?
Đáp: Người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh được bảo đảm an toàn khi hành nghề khám bệnh, chữa bệnh như sau:
- Được bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động khi làm việc theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.
- Được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, sức khỏe và tính mạng.
- Được phép tạm rời khỏi nơi làm việc trong trường hợp bị người khác đe dọa đến sức khỏe, tính mạng nhưng phải báo cáo ngay với người chịu trách nhiệm chuyên môn hoặc người trực lãnh đạo của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và với cơ quan công an hoặc chính quyền địa phương nơi gần nhất.
21. Hỏi: Nghĩa vụ của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh đối với người bệnh được quy định như thế nào?
Đáp: Người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh có các nghĩa vụ sau đây đối với người bệnh:
- Kịp thời sơ cứu, cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh, trừ trường hợp được từ chối khám bệnh, chữa bệnh quy định tại Luật này.
- Tôn trọng các quyền của người bệnh, có thái độ ân cần, hòa nhã với người bệnh.
- Tư vấn, cung cấp thông tin theo quy định tại Luật này.
- Đối xử bình đẳng với người bệnh, không để lợi ích cá nhân hay sự phân biệt đối xử ảnh hưởng đến quyết định chuyên môn của mình.
- Chỉ được yêu cầu người bệnh chi trả các chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật.
22. Hỏi: Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có quyền gì?
Đáp: Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có các quyền sau đây:
- Thực hiện các hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của Luật này.
- Được từ chối khám bệnh, chữa bệnh trong các trường hợp sau đây: 
+ Vượt quá khả năng chuyên môn hoặc không thuộc phạm vi hoạt động chuyên môn của cơ sở, trừ trường hợp cấp cứu quy định tại Luật này; 
+ Thuộc một trong các trường hợp sau:
. Người bệnh, thân nhân của người bệnh có hành vi xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng của người hành nghề khi đang thực hiện nhiệm vụ, trừ trường hợp người đó mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà không nhận thức, làm chủ được hành vi;
. Người bệnh yêu cầu phương pháp khám bệnh, chữa bệnh không phù hợp với quy định về chuyên môn kỹ thuật;
. Người bệnh, người đại diện của người bệnh không chấp hành chỉ định về chẩn đoán, phương pháp chữa bệnh của người hành nghề sau khi đã được người hành nghề tư vấn, vận động thuyết phục mà việc không chấp hành này có nguy cơ gây hại đến sức khỏe, tính mạng của người bệnh.
- Thu các khoản chi phí liên quan đến hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật.
- Hưởng chế độ ưu đãi khi thực hiện các hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật.
- Giao kết hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế với cơ quan bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế; giao kết hợp đồng với các tổ chức bảo hiểm khác theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm để khám bệnh, chữa bệnh.
- Hợp tác với các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.
- Được tổ chức cung cấp các dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ theo yêu cầu của người bệnh, người đại diện của người bệnh.
- Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân được tham gia đấu thầu hoặc được Nhà nước đặt hàng cung cấp một số dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh trong danh mục dịch vụ sự nghiệp công do ngân sách nhà nước bảo đảm hoặc hỗ trợ một phần kinh phí.
23. Hỏi: Trách nhiệm của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được quy định như thế nào?
Đáp: Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm sau đây:
- Tổ chức việc sơ cứu, cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh kịp thời cho người bệnh.
- Thực hiện quy định về chuyên môn kỹ thuật và các quy định khác của pháp luật có liên quan; chịu trách nhiệm về kết quả khám bệnh, chữa bệnh của người hành nghề thuộc thẩm quyền quản lý.
- Công khai thời gian làm việc và danh sách người hành nghề, thời gian làm việc của từng người hành nghề tại cơ sở.
- Niêm yết giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, giá dịch, vụ chăm sóc, hỗ trợ theo yêu cầu tại cơ sở và trên Hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.
- Bảo đảm việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người bệnh, người hành nghề theo quy định của Luật này.
- Bảo đảm các điều kiện cần thiết để người hành nghề thực hiện khám bệnh, chữa bệnh.
- Tự đánh giá chất lượng và công khai kết quả đánh giá chất lượng theo quy định của Luật này.
- Chấp hành quyết định huy động, điều động của cơ quan, người có thẩm quyền trong trường hợp xảy ra thiên tai, thảm họa, dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A hoặc tình trạng khẩn cấp.
- Tổ chức lực lượng bảo vệ, bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất để bảo đảm an ninh, trật tự phù hợp với hình thức tổ chức, quy mô của cơ sở; phối hợp với cơ quan công an có thẩm quyền trong việc tổ chức triển khai thực hiện các biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; thông báo cơ quan công an có thẩm quyền trên địa bàn để phối hợp triển khai các biện pháp bảo vệ người bệnh là người bị bạo lực, xâm hại.
- Giới thiệu, chuyển người bệnh đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác phù hợp tình trạng bệnh và yêu cầu của người bệnh trong các trường hợp sau đây: 
+ Tình trạng bệnh vượt quá khả năng chuyên môn hoặc không thuộc phạm vi hoạt động chuyên môn của cơ sở; 
+ Theo yêu cầu của người bệnh, người đại diện của người bệnh và được sự đồng ý của người hành nghề trực tiếp điều trị cho người bệnh hoặc người trực lâm sàng; 
+ Tạm dừng hoặc bị đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy phép hoạt động; 
+ Gặp sự cố bất khả kháng mà không thể tiếp tục thực hiện việc tiếp nhận, điều trị cho người bệnh.
- Tham gia các hoạt động y tế dự phòng theo quy định của pháp luật.
- Mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của Chính phủ./.
 

Tác giả: quản trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây