(Nguồn https://pbgdpl.tayninh.gov.v)
Công đoàn cơ sở là tổ chức cơ sở của Công đoàn, tập hợp đoàn viên công đoàn trong một hoặc một số cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, được công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở công nhận theo quy định của pháp luật và Điều lệ Công đoàn Việt Nam.
Theo điều 13 Hướng dẫn số 03/HD-TLĐ ngày 20/02/2020 của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam hướng dẫn thi hành điều lệ Công đoàn Việt Nam thì Công đoàn cơ sở cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập gồm Công đoàn cơ sở các cơ quan hành chính nhà nước; Công đoàn cơ sở cơ quan xã, phường, thị trấn; Công đoàn cơ sở cơ quan chuyên trách của các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội, chính trị xã hội - nghề nghiệp, xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội; Công đoàn cơ sở các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, y tế, khoa học và công nghệ, văn hóa, thể thao... của nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang.
Công đoàn cơ sở cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập có nhiệm vụ, quyền hạn sau:
- Tuyên truyền, vận động đoàn viên và người lao động thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ của tổ chức công đoàn; tích cực học tập, rèn luyện nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, pháp luật, khoa học kỹ thuật, chuyên môn, nghiệp vụ.
- Phối hợp với thủ trưởng hoặc người đứng đầu cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện quy chế dân chủ, tổ chức hội nghị cán bộ công chức, viên chức cơ quan, đơn vị; cử đại diện tham gia các hội đồng xét và giải quyết các quyền lợi của đoàn viên và người lao động. Hướng dẫn, giúp đỡ người lao động giao kết hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc. Cùng với thủ trưởng hoặc người đứng đầu cơ quan, đơn vị cải thiện điều kiện làm việc, chăm lo đời sống của đoàn viên, người lao động, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, hoạt động xã hội trong đoàn viên, người lao động.
- Kiểm tra, giám sát việc thi hành các chế độ, chính sách, pháp luật, bảo đảm việc thực hiện quyền lợi của đoàn viên và người lao động. Đấu tranh ngăn chặn tiêu cực, tham nhũng và các tệ nạn xã hội, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Phát hiện và tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo, giải quyết các tranh chấp lao động và thực hiện các quyền của công đoàn cơ sở theo quy định của pháp luật.
- Tập hợp, giải quyết tâm tư, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; tổ chức vận động đoàn viên, người lao động trong cơ quan, đơn vị thi đua yêu nước, thực hiện nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức, lao động tham gia quản lý cơ quan, đơn vị, cải tiến lề lối làm việc và thủ tục hành chính nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác.
- Phát triển, quản lý đoàn viên; xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh và tham gia xây dựng Đảng.
- Quản lý và sử dụng tài chính, tài sản của công đoàn theo quy định của pháp luật./.
Tác giả: quản trị
Ý kiến bạn đọc