PHÁT HUY VAI TRÒ VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA TỦ SÁCH PHÁP LUẬT TRONG TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thứ bảy - 24/08/2024 15:57 16 0
Theo Quyết định số 14/2019/QĐ-TTg ngày 13/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng, quản lý, khai thác TSPL: Tủ sách pháp luật là nơi lưu giữ, quản lý sách, báo, tài liệu pháp luật để phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập, tìm hiểu chính sách, pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, tiếp cận thông tin pháp luật, hòa giải ở cơ sở của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
PHÁT HUY VAI TRÒ VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA TỦ SÁCH PHÁP LUẬT TRONG TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

                                                                                                                            Tủ sách pháp luật xã Thạnh Đức
         Tủ sách pháp luật xã Thạnh Đức được đặt tại Trung tâm Văn hóa- TTHTCĐ xã nên mở cửa thường xuyên để phục vụ người đọc bằng hình thức đọc tại chỗ hoặc cho mượn. Hàng năm, thường xuyên cập nhật, bổ sung các loại sách Luật mới ban hành, sổ tay hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ vào Tủ sách pháp luật của địa phương, trung bình cập nhật, bổ sung khoảng 05 quyển/năm; đồng thời hàng quý tiến hành rà soát, bổ sung tài liệu, sách, báo pháp luật cho Tủ sách pháp luật.

Trong thời gian qua, xã Thạnh Đức đã triển khai xây dựng và đưa mô hình Tủ sách pháp luật đến các ấp vào hoạt động đạt hiệu quả khá tốt, góp phần quan trọng trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tại địa phương. Tuy nhiên, qua hoạt động thực tế cho thấy, tính hiệu quả của Tủ sách pháp luật chưa cao, thể hiện: Việc duy trì Tủ sách pháp luật vẫn còn mang tính hình thức, nội dung các tài liệu duy trì trong tủ sách chưa phong phú, mới chỉ có những tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật cơ bản. Mặt khác, phương thức khai thác Tủ sách pháp luật cũng chưa được đa dạng, phong phú...

 

Thanh niên tham gia “Ngày hội đọc sách”

Để Tủ sách pháp luật thực sự có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, tìm hiểu của cán bộ, công chức và Nhân dân trong thời gian tới, cần tiếp tục thực hiện đầy đủ các quy định về xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật như sau:

Một là, tiếp tục thông tin, truyền thông nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các ngành, tổ chức, cá nhân, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, công chức về vị trí, vai trò của Tủ sách pháp luật đối với việc thực thi công vụ, quản lý, chỉ đạo, điều hành theo Hiến pháp và pháp luật. Có giải pháp thiết thực nâng cao chất lượng hoạt động của Tủ sách pháp luật, nhằm phát huy vai trò là hình thức PBGDPL truyền thống có hiệu quả tại cơ sở, nhất là những địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khó khăn, chưa được trang bị, sử dụng máy tính kết nối Internet; gắn với các nhiệm vụ và giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả các thiết chế văn hóa - thông tin cơ sở theo Chỉ thị số 07-CT/TW ngày 05/9/2016 của Ban Bí thư về đẩy mạnh công tác thông tin cơ sở trong tình hình mới.

Hai là, tiếp tục thực hiện Công văn số 678/UBND-NC của Ủy ban nhân dân huyện Gò Dầu V/v hướng xử lý tủ sách pháp luật theo quy định tại Quyết định số 14/2019/QĐ- TTg ngày 13/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân xã thực hiện sáp nhập Tủ sách pháp luật (TSPL) của xã thành bộ phận sách, tài liệu pháp luật của Trung tâm Văn hoá, Thể thao, học tập cộng đồng (VHTTHTCĐ) phù hợp với thực tiễn tại địa phương để thuận tiện khai thác hiệu quả.

Ba là, kịp thời bổ sung, mua các sách, tài liệu mới cho các Tủ sách pháp luật, đảm bảo phù hợp, thiết thực, phục vụ trực tiếp nhiệm vụ thực thi công vụ, nhiệm vụ chuyên môn của cán bộ, công chức và nhu cầu tiếp cận thông tin, tìm hiểu, giải đáp pháp luật của cán bộ, công chức và Nhân dân; tăng cường công tác phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể liên quan trong việc quản lý, sử dụng, khai thác có hiệu quả các loại hình Tủ sách trên địa bàn như: Tổ chức Ngày hội đọc sách cho hội viên, đoàn viên, thanh niên……

Bốn là, chú trọng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để khai thác, cung cấp các văn bản, tài liệu cho Tủ sách pháp luật; khai thác, tra cứu văn bản quy phạm pháp luật thông qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật Những địa bàn đã xây dựng, duy trì các mô hình Tủ sách tự quản, sáng tạo như: Tủ sách tại nhà văn hóa các ấp, tiến hành đánh giá hiệu quả hoạt động, rút kinh nghiệm để tiếp tục xây dựng, phát triển phù hợp với thực tế.

Năm là, bố trí và sử dụng hiệu quả kinh phí ngân sách nhà nước cho xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật.

Sáu là, đánh giá những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc từ thể chế, chính sách, nhất là vướng mắc, bất cập của Quyết định số 14/2019/QĐ- TTg ngày 13/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân xã thực hiện sáp nhập Tủ sách pháp luật; kiến nghị mô hình Tủ sách pháp luật phù hợp với địa phương gắn với ứng dụng công nghệ thông tin; đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật phục vụ công tác nghiên cứu, tham mưu trong quá trình sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật về Tủ sách pháp luật phù hợp với yêu cầu thực tiễn địa phương./.

Tác giả: Ngọc Ánh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây