HỎI – ĐÁP MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG VỀ PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thứ ba - 15/06/2021 16:00 163 0

SỞ TƯ PHÁP TỈNH TÂY NINH:

 

HỎI – ĐÁP MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG

VỀ PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

anhminhhoa3.jpg 

(Ảnh: nguồn https://pbgdpl.tayninh.gov.vn)

 

1. Hỏi: Phổ biến, giáo dục pháp luật là gì?

Đáp: Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) là một từ ghép giữa "phổ biến pháp luật" và "giáo dục pháp luật". PBGDPL có 02 nghĩa:

- Hiểu theo nghĩa hẹp là: truyền đạt tinh thần, nội dung pháp luật giúp cho đối tượng tác động hiểu và hình thành ở họ tri thức pháp luật, tình cảm, hành vi phù hợp với các đòi hỏi của các quy định pháp luật hiện hành.

- Hiểu theo nghĩa rộng: là công tác, lĩnh vực hoạt động, bao gồm tất cả các công đoạn phục vụ cho việc thực hiện PBGDPL (xây dựng chương trình, kế hoạch PBGDPL; triển khai chương trình, kế hoạch PBGDPL thông qua việc áp dụng các hình thức, biện pháp PBGDPL; hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, sơ kết, tổng kết việc thực hiện chương trình, kế hoạch PBGDPL).

2. Hỏi: Công tác PBGDPL có các đặc điểm gì?

Đáp: Công tác PBGDPL có 04 đặc điểm sau đây:

- Là một bộ phận của công tác giáo dục trính trị, tư tưởng.

- Có mối liên hệ chặt chẽ với công tác xây dựng và thực hiện pháp luật.

- Được tổ chức thực hiện bởi những chủ thể xác định (Chính phủ, các bộ, ngành  Trung ương, UBND các cấp).

- Nhằm truyền đạt thông tin, nội dung pháp luật giúp đối tượng được tác động có những hiểu biết nhất định về pháp luật góp phần nâng cao ý thức pháp luật cho đối tượng.

3. Hỏi: Vì sao nói công tác PBGDPL là một bộ phận của công tác giáo dục trính trị, tư tưởng?

Đáp: Công tác PBGDPL là một bộ phận của công tác giáo dục trính trị, tư tưởng vì:

- Bản chất của hoạt động xây dựng pháp luật là thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, thể hiện ý chí của nhân dân; vì vậy, thực hiện pháp luật là thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước. PBGDPL tạo ra khả năng cho việc giáo dục chính trị, hình thành ở người dân những hiểu biết nhất định về chính trị đồng thời trong quá trình giáo dục chính trị, tư tưởng có sự đan xen những nội dung, quan điểm pháp lý nhất định.

- Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân đã xác định rõ PBGDPL là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng.

4. Hỏi: Vì sao nói công tác PBGDPL có mối liên hệ chặt chẽ với công tác xây dựng và thực hiện pháp luật?

Đáp: Công tác PBGDPL có mối liên hệ chặt chẽ với công tác xây dựng và thực hiện pháp luật vì:

- PBGDPL và xây dựng pháp luật có mối quan hệ chặt chẽ, biện chứng với nhau bởi lẽ công tác xây dựng pháp luật là cơ sở cho việc hình thành, thực hiện công tác PBGDPL và ngược lại công tác PBGDPL là cầu nối, là một phương tiện quan trọng để đưa pháp luật vào cuộc sống.

- PBGDPL có tác động tích cực đến việc tổ chức, thực hiện pháp luật trên cơ sở giúp người dân có hiểu biết pháp luật và có ý thức chấp hành pháp luật.

5. Hỏi: PBGDPL có mục đích, ý nghĩa trong đời sống xã hội?

Đáp: Trong đời sống xã hội, PBGDPL có mục đích, ý nghĩa như sau:

- Truyền tải thông tin, yêu cầu, nội dung và các quy định pháp luật đến với đối tượng.

- Hình thành lòng tin vào pháp luật của đối tượng.

- Nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật của đối tượng.

- Góp phần nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước, quản lý xã hội.

6. Hỏi: PBGDPL truyền tải thông tin, yêu cầu, nội dung và các quy định pháp luật đến với đối tượng như thế nào?

Đáp: Công tác tuyên truyền, PBGDPL luôn có vị trí và vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình xây dựng Nhà nước xã hội chủ nghĩa hiện nay, là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và sự điều phối, tổ chức thực hiện của các cơ quan nhà nước và các tổ chức, đoàn thể; là khâu then chốt, quan trọng để chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước thực sự đi vào cuộc sống xã hội, đi vào ý thức, hành động của từng chủ thể trong xã hội.

PBGDPL là cầu nối để chuyển tải pháp luật vào cuộc sống. Nói cách khác, quá trình đưa pháp luật vào cuộc sống được bắt đầu bằng hoạt động PBGDPL. Thực hiện pháp luật dù bằng hình thức nào - tuân thủ, thi hành (chấp hành) pháp luật, sử dụng (vận dụng) pháp luật hay áp dụng pháp luật thì trước hết đều phải có hiểu biết pháp luật. Nếu không nhận thức đầy đủ vị trí quan trọng và không thực hiện tốt công tác PBGDPL thì dù công tác xây dựng pháp luật có làm tốt đến mấy cũng không đạt được hiệu quả thực thi pháp luật.

Pháp luật của Nhà nước không phải khi nào cũng được mọi người trong xã hội biết đến, tìm hiểu, đồng tình ủng hộ và thực hiện nghiêm chỉnh. Tuy rằng bản chất pháp luật của Nhà nước ta là tốt đẹp, nó phản ánh ý chí, nguyện vọng, mong muốn của đông đảo quần chúng nhân dân trong xã hội. Tuy nhiên, dù những quy định pháp luật có tốt đẹp nhưng không được nhân dân biết đến thì vẫn không đi vào cuộc sống.

PBGDPL chính là phương tiện truyền tải những thông tin, những yêu cầu, nội dung và các quy định pháp luật đến với người dân, giúp cho người dân hiểu biết, nắm bắt pháp luật kịp thời mà không mất quá nhiều thời gian, công sức cho việc tự tìm hiểu, tự học tập. Đó chính là phương tiện hỗ trợ tích cực để nâng cao hiểu biết pháp luật cho nhân dân.

7. Hỏi: Vì sao PBGDPL phải hình thành lòng tin vào pháp luật cho đối tượng?

Đáp: Pháp luật chỉ có thể được mọi người thực hiện nghiêm chỉnh khi họ tin tưởng vào những quy định của pháp luật. Pháp luật được xây dựng là để bảo vệ quyền và lợi ích của nhân dân, đảm bảo lợi ích chung của cộng đồng, đảm bảo công bằng và dân chủ xã hội. Khi nào người dân nhận thức đầy đủ được như vậy thì pháp luật không cần một biện pháp cưỡng chế nào mà mọi người vẫn tự giác thực hiện.

Tạo lập niềm tin vào pháp luật cho mỗi người và cả cộng đồng đòi hỏi sự kết hợp của nhiều yếu tố. Một trong các yếu tố đóng vai trò quan trọng là PBGDPL để mọi người hiểu biết về pháp luật, hiểu biết về quá trình thực  hiện và áp dụng pháp luật. Pháp luật cũng như mọi hiện tượng khác trong xã hội bao giờ cũng có hai mặt, không phải lúc nào nó cũng thoả mãn hết, phản ánh được đầy đủ nguyện vọng, mong muốn của tất cả mọi người trong xã hội. Quá trình điều chỉnh pháp luật sẽ lấy lợi ích của đông đảo nhân dân trong xã hội làm tiêu chí, thước đo, do đó sẽ có một số ít không thoả mãn được. Chính các yếu tố hạn chế của các quy định pháp luật càng tạo nên sự cần thiết của công tác PBGDPL để mọi người hiểu đúng pháp luật, đồng tình ủng hộ pháp luật. Có như vậy mới hình thành lòng tin vào pháp luật của đông đảo nhân dân trong xã hội.

8. Hỏi: Vì sao mục đích, ý nghĩa của PBGDPL là nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật của đối tượng?

Đáp: Ý thức pháp luật của người dân được hình thành từ hai yếu tố đó là tri thức pháp luật và tình cảm pháp luật.

- Tri thức pháp luật là sự hiểu biết pháp luật của các chủ thể có được qua việc học tập, tìm hiểu pháp luật, qua quá trình tích luỹ kiến thức của hoạt động thực tiễn và công tác. Tình cảm pháp luật chính là trạng thái tâm lý của các chủ thể khi thực hiện và áp dụng pháp luật, họ có thể đồng tình ủng hộ với những hành vi thực hiện đúng pháp luật, lên án các hành vi vi phạm pháp luật.

- Ý thức tự giác chấp hành pháp luật của nhân dân chỉ có thể được nâng cao khi công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân được tiến hành thường xuyên, kịp thời và có tính thuyết phục. PBGDPL không đơn thuần là phổ biến các văn bản pháp luật đang có hiệu lực mà còn lên án các hành vi vi phạm pháp luật, đồng tình ủng hộ các hành vi thực hiện đúng pháp luật, hình thành dư luận và tâm lý đồng tình ủng hộ với hành vi hợp pháp, lên án các hành vi vi phạm pháp luật.

PBGDPL nhằm hình thành, củng cố tình cảm tốt đẹp của con người với pháp luật, đồng thời ngày càng nâng cao sự hiểu biết của con người đối với các văn bản pháp luật và các hiện tượng pháp luật trong đời sống, từ đó nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật của nhân dân.

9. Hỏi: Vì sao PBGDPL góp phần nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước, quản lý xã hội?

Đáp: Vai trò quan trọng này của công tác PBGDPL bắt nguồn từ chính vai trò và giá trị xã hội của pháp luật, là phương tiện hàng đầu để quản lý nhà nước, quản lý xã hội. PBGDPL giúp cho mọi người có tri thức pháp lý, tình cảm pháp luật đúng đắn và hành vi hợp pháp, tạo tiền đề cho việc sử dụng quyền lực nhà nước, tăng cường pháp chế, phát huy dân chủ và quyền tự do của mỗi người.

PBGDPL đồng thời tạo ra khả năng đổi mới các quan hệ xã hội trong môi trường quản lý nhà nước bằng pháp luật, hình thành các điều kiện và nhân tố thuận lợi cho quá trình quản lý nhà nước, quản lý xã hội; tạo ra khả năng phát hiện và loại trừ những hiện tượng tiêu cực, chống đối pháp luật diễn ra trong quá trình quản lý.

10. Hỏi: Những yêu cầu chung đối với việc PBGDPL là gì?

Đáp: Những yêu cầu chung đối với việc PBGDPL gồm:

- Đề cao tính Đảng trong PBGDPL: Pháp luật và đường lối, chính sách của Đảng có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Pháp luật là sự thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng. Do đó, công tác PBGDPL cũng phải đề cao tính Đảng. Muốn đề cao tính Đảng trong công tác PBGDPL thì phải hiểu biết, quán triệt đầy đủ đường lối, chính sách của Đảng đối với từng thời kỳ, từng vấn đề.

- Bảo đảm tính khoa học, tính chuẩn xác, truyền đạt trung thành văn bản: Nội dung được PBGDPL là những quy định xử sự được Nhà nước ban hành, có cấu trúc chặt chẽ từ câu chữ tới nội dung và yêu cầu của các quy định đó. Do đó, PBGDPL phải tuân thủ các nguyên tắc nhất định, bảo đảm tính khoa học, tính chuẩn xác, truyền đạt trung thành văn bản.

- Bảo đảm tính đại chúng: phù hợp với đối tượng, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ áp dụng (xuất phát từ nhu cầu của đối tượng, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, giới tính, lứa tuổi, dân tộc; sử dụng ngôn ngữ đại chúng, cách truyền đạt giản dị, ngắn gọn, dễ hiểu).

- Lựa chọn hình thức phù hợp: phù hợp với đối tượng, địa bàn, điều kiện kinh tế của nơi tiến hành PBGDPL; để đạt hiệu quả tốt nhất, có thể đan xen kết hợp nhiều hình thức).

11. Hỏi: Nội dung nào phải được tuyên truyền, phổ biến, giáo dục?

Đáp: Các nội dung sau đây phải được tuyên truyền, phổ biến, giáo dục:

- Quy định của Hiến pháp và văn bản quy phạm pháp luật, trọng tâm là các quy định của pháp luật về dân sự, hình sự, hành chính, hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, đất đai, xây dựng, bảo vệ môi trường, lao động, giáo dục, y tế, quốc phòng, an ninh, giao thông, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, các văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành.

- Các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, các thỏa thuận quốc tế.

- Ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật; ý thức bảo vệ pháp luật; lợi ích của việc chấp hành pháp luật; gương người tốt, việc tốt trong thực hiện pháp luật.

12. Hỏi: Hình thức PBGDPL gồm có các hình thức nào?

Đáp: Hình thức PBGDPL gồm có các hình thức sau:

- Họp báo, thông cáo báo chí.

- Phổ biến pháp luật trực tiếp; tư vấn, hướng dẫn tìm hiểu pháp luật; cung cấp thông tin, tài liệu pháp luật.

- Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, loa truyền thanh, internet, pa-nô, áp-phích, tranh cổ động; đăng tải trên Công báo; đăng tải thông tin pháp luật trên trang thông tin điện tử; niêm yết tại trụ sở, bảng tin của cơ quan, tổ chức, khu dân cư.

- Tổ chức thi tìm hiểu pháp luật.

- Thông qua công tác xét xử, xử lý vi phạm hành chính, hoạt động tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân và hoạt động khác của các cơ quan trong bộ máy nhà nước; thông qua hoạt động trợ giúp pháp lý, hòa giải ở cơ sở.

- Lồng ghép trong hoạt động văn hóa, văn nghệ, sinh hoạt của tổ chức chính trị và các đoàn thể, câu lạc bộ, tủ sách pháp luật và các thiết chế văn hóa khác ở cơ sở.

- Thông qua chương trình giáo dục pháp luật trong các cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân.

- Các hình thức PBGDPL khác phù hợp với từng đối tượng cụ thể mà các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có thể áp dụng để bảo đảm cho công tác PBGDPL đem lại hiệu quả.

13. Hỏi: Các biện pháp thực hiện công tác PBGDPL gồm những biện pháp gì ?

Đáp: Biện pháp thực hiện công tác PBGDPL gồm có :

- Có Kế hoạch, Chương trình công tác PBGDPL.

- Lựa chọn nội dung, hình thức PBGDPL phù hợp.

- Xây dựng và nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác PBGDPL.

- Tăng cường phối hợp trong hoạt động PBGDPL.

- Công tác PBGDPL phải được thực hiện thường xuyên, liên tục; có trọng tâm, trọng điểm; gắn với việc tổ chức thực hiện pháp luật.

- Chú trọng hoạt động chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện công tác PBGDPL.

- Định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá, khen thưởng việc thực hiện công tác PBGDPL.

- Đảm bảo kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện cho công tác PBGDPL.

14. Hỏi: Cán bộ làm công tác PBGDPL phải đáp ứng các yêu cầu gì?

Đáp: Cán bộ làm công tác PBGDPL phải đáp ứng các yêu cầu sau:

- Một là, về kiến thức pháp luật:

+ Có kiến thức hiểu biết pháp luật nói chung, kiến thức xã hội rộng; hiểu biết về đối tượng tuyên truyền; khi tuyên truyền, phổ biến pháp luật cần dự kiến trước được các tình huống, các câu hỏi người nghe đưa ra để chuẩn bị phương án trả lời thích hợp giúp cho công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đạt được hiệu quả, chất lượng tốt, đáp ứng được nhu cầu của người được tuyên truyền, PBGDPL;

+ Nắm vững những vấn đề liên quan đến lĩnh vực mà các văn bản pháp luật điều chỉnh;

+ Hiểu được ý nghĩa, bản chất pháp lý của vấn đề mà các văn bản điều chỉnh, sự cần thiết phải ban hành văn bản;

+ Hiểu rõ đối tượng, phạm vi, nội dung điều chỉnh của văn bản;

+ Hiểu rõ ý nghĩa của các quy phạm, tác dụng điều chỉnh của từng quy phạm, các chế tài…

- Thứ hai, về kỹ năng:

+ Kỹ năng tìm hiểu: nắm vững đối tượng bằng cách trao đổi trực tiếp hoặc dùng phiếu thăm dò;

+ Kỹ năng lắng nghe: chú ý lắng nghe, không ngắt lời, tỏ thái độ quan tâm đến những vấn đề người được tuyên truyền trao đổi; tránh nói nhiều hoặc tỏ thái độ thờ ơ; khuyến khích người nghe phát biểu ý kiến;

+ Kỹ năng quan sát: sử dụng các giác quan như mắt nhìn, tai nghe hoặc quan sát một cách kín đáo…

+ Kỹ năng truyền đạt: sử dụng ngôn ngữ đơn giản, rõ ràng, phù hợp, kết hợp, nêu các ví dụ cụ thể, gần gũi…

+ Kỹ năng động viên: dùng lời nói, ánh mắt để động viên; thông cảm với người được truyền thông; động viên, thu hút những người rụt rè tham gia…

- Thứ ba, các yêu cầu khác:

+ Có sự nhiệt tình, tâm huyết, tận tụy;

+ Có khả năng nói và viết;

+ Có khả năng hòa đồng và giao tiếp;

+ Có kiến thức nhất định về tâm lý học tuyên truyền;

+ Có hiểu biết về văn hóa, phong tục tập quán, điều kiện xã hội của mỗi địa bàn dân tộc, mỗi vùng miền nhất định.

-----oOo-----

 

 

 

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập16
  • Máy chủ tìm kiếm5
  • Khách viếng thăm11
  • Hôm nay2,604
  • Tháng hiện tại53,051
  • Tổng lượt truy cập3,694,050
Cổng Văn hoá Du lịch - Gò Dầu
đường dây nóng
lịch công tác
trả lời kiến nghị người dân
lịch tiếp dân của lãnh đạo
dv công tỉnh
danh mục thủ tục hành chính
cổng dv công
hệ thống 1022
tuyên truyền phổ biến pháp luật
csdl quốc gia
tổng đều tra kinh tế
chuyển đổi số
hệ thống lấy số tự động
Bộ pháp điển
hướng dẫn thực hiện dịch vụ công trực tuyến
Công báo nước VN
hỏi đáp
hộp thư điện tử
csdl quốc gia về vb pháp luật
Công báo Tây Ninh
công khai minh bạch
góp ý văn bản pháp luật
Học tập làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Cuộc thi tìm hiểu công tác cải cách hành chính huyện Gò Dầu năm 2024
ATTT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây