Những điểm mới cần lưu ý của Nghị định số 15/2020/NĐ-CP

Thứ tư - 01/04/2020 23:00 119 0

Những điểm mới cần lưu ý của Nghị định số 15/2020/NĐ-CP


Trong giai đoạn bùng phát công nghệ thông tin như hiện nay thì các mạng xã hội càng chiếm vị trí quan trọng trong công việc cũng như trong cuộc sống của người dân nhờ những mặt tích cực như: tốc độ chia sẻ, sự lan truyền thông tin một cách nhanh chóng, trao đổi thông tin trên nhiều phương diện… Bên cạnh những mặt tích cực trên thì nó đã và đang kéo theo nạn tin giả, tin xấu, tin độc… Nhất là trong những ngày qua, trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, trên mạng xã hội đã xuất hiện nhiều thông tin giả, thông tin chưa được kiểm chứng gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch. Trước tình trạng đó, các cơ quan chức năng đã vào cuộc kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm trên cơ sở những quy định tại Nghị định 174/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện. Trên địa bàn tỉnh Tây Ninh cũng như các địa phương khác, nếu cá nhân, tổ chức có những hành vi tung tin không đúng về Covid -19 đều bị xử lý nghiêm khắc theo quy định, cụ thể như:

Trường hợp ngày 18/2/2020, Công an huyện Dương Minh Châu phát hiện tài khoản Facebook “Thủy Nguyễn” của Nguyễn Hữu Thủy đã đăng tải nội dung sai sự thật về dịch COVID -19 với nội dung: “Nghe nói Tây Ninh có người bên china (ý nói là Trung Quốc) với bên campu (ý nói là Campuchia) về bị nhiễm virus Corona. Nguy hiểm quá”; “Trốn thôi anh em ơi. Corona tới” hoặc trường hợp vào sáng ngày 18/2/2020, Quân đã sử dụng tài khoản Facebook cá nhân có tên “Quân mã tấu” tên thật là Lâm Tấn Quân (sinh năm 1991, có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Sóc Trăng), đang cư trú tại tỉnh Tây Ninh, Quân đã đăng tâm trạng với nội dung "đang cảm thấy đau khổ cùng với... tại Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh” và “Bị nhiễm virus Corona rồi, kiểu này chắc sớm gặp ông bà quá”… Hai hành vi trên đã bị Công an huyện Dương Minh Châu và Công an huyện Gò Dầu xem xét và quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm a, khoản 3, Điều 64, Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện (gọi tắt Nghị định số 174/2013/NĐ-CP).

Tuy nhiên, từ ngày 15/4/2020, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử (gọi tắt Nghị định số 15/2020/NĐ-CP) chính thức có hiệu lực thay thế Nghị định số 174/2013/NĐ-CP quy định cụ thể về trách nhiệm sử dụng mạng xã hội. Nếu như Nghị định 174/2013/NĐ-CP chưa quy định rõ về việc chia sẻ thông tin giả mạo, thì tại Điều 101, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP  nêu rõ mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; cung cấp, chia sẻ thông tin cổ xúy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc… với mức phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng. Mức phạt này cũng áp dụng đối với hành vi quảng cáo, tuyên truyền, chia sẻ thông tin về hàng hóa, dịch vụ bị cấm; cung cấp, chia sẻ các tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm mà không được sự đồng ý của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ, chưa được phép lưu hành hoặc đã có quyết định cấm lưu hành, tịch thu.

Mức phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng được áp dụng đối với hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật Nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Ngoài phạt tiền, Nghị định cũng quy định biện pháp khắc phục hậu quả là buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật, gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật.

Ngoài ra, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP còn quy định tăng mức xử phạt đối với tin nhắn rác. Vấn đề quản lý sim rác, tin nhắn rác thời gian qua đã được Bộ Thông tin và Truyền thông có những biện pháp mạnh tay kiểm soát. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn còn tồn tại với biến tướng tinh vi hơn để qua mặt các nhà mạng. Để khắc phục tình trạng trên, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP đã bổ sung nhiều điểm mới cũng như tăng mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm liên quan đến nhắn tin rác qua điện thoại, email của người sử dụng so với Nghị định số 174/2013/NĐ-CP.

Tại điểm b khoản 6 Điều 94 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định: Tổ chức sẽ bị phạt tiền từ 60 - 80 triệu đồng khi có hành vi gửi hoặc phát tán tin nhắn rác, thư điện tử rác, phần mềm độc hại (trong khi Mức phạt của Nghị định số 174/2013/NĐ-CP  quy định phạt từ 40 - 50 triệu đồng). Ngoài phạt tiền còn có thể bị áp dụng thêm các hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả như: Đình chỉ hoạt động cung cấp dịch vụ từ 1 - 3 tháng; tước quyền sử dụng mã số quản lý, tên định danh từ 1 - 3 tháng; buộc thu hồi đầu số, kho số viễn thông.

Không chỉ thế, mức phạt từ 60 - 80 triệu đồng cũng được áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân có các hành vi vi phạm sau: Không có đầy đủ các hình thức từ chối nhận thư điện tử quảng cáo hoặc từ chối nhận tin nhắn quảng cáo; gửi hoặc phát tán thư điện tử rác, tin nhắn rác, phần mềm độc hại; tạo hàng loạt cuộc gọi nhỡ nhằm dụ dỗ người sử dụng gọi điện thoại, nhắn tin đến các số cung cấp dịch vụ nội dung để trục lợi hoặc để cung cấp thông tin, quảng cáo; khai thác, sử dụng các số dịch vụ, số thuê bao viễn thông không đúng mục đích; số dịch vụ gọi tự do, số dịch vụ gọi giá cao được mở chiều gọi đi hoặc để gửi tin nhắn hoặc nhận tin nhắn.

Nghị định số 15/2020/NĐ-CP bổ sung mức phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng đối với hành vi cung cấp số điện thoại liên hệ trong các biển quảng cáo, rao vặt được treo, đặt, dán, vẽ trên cột điện, trụ điện, cột tín hiệu giao thông, bờ tường, cây xanh, nơi công cộng (khoản  Điều 94); phạt tiền 5 - 10 triệu đồng đối với một trong các hành vi gửi thư điện tử quảng cáo, tin nhắn quảng cáo nhưng chưa được sự đồng ý của người nhận (khoản 2 Điều 94)…

Đặc biệt, theo quy định tại khoản 6 Điều 94 của Nghị định thì phạt tiền từ 80 - 100 triệu đồng đối với tổ chức có hành vi quảng cáo bằng thư điện tử hoặc quảng cáo bằng tin nhắn hoặc cung cấp dịch vụ nhắn tin qua mạng Internet nhưng không có hệ thống tiếp nhận, xử lý yêu cầu từ chối của người nhận. Riêng đối với trường hợp tổ chức cung cấp dịch vụ có hành vi không ngăn chặn, thu hồi số thuê bao được dùng để phát tán tin nhắn rác thì sẽ bị phạt tiền từ 180 - 200 triệu đồng theo quy định tại khoản 8 Điều 94 Nghị định 15/2020/NĐ-CP. Với cùng hành vi vi phạm, mức phạt đối với cá nhân bằng một nửa so với vi phạm của tổ chức.

Một trong những điểm mới của Nghị định 15/2020/NĐ-CP là quản lý nội dung khách hàng truy cập tại các đại lý internet công cộng. Theo khoản 3, Điều 35, Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định, phạt tiền 5 - 10 triệu đồng đối với các hành vi: Tổ chức hoặc cho phép người sử dụng internet sử dụng tính năng của máy tính tại địa điểm kinh doanh của mình để thực hiện hành vi bị cấm theo quy định về sử dụng internet và thông tin trên mạng; để người sử dụng internet truy cập, xem, tải các thông tin, hình ảnh, phim có nội dung đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan.

Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định, bên cạnh hình thức cảnh cáo và phạt tiền, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung khác như: Tước giấy phép có thời hạn đối với giấy phép bưu chính, viễn thông, thiết lập mạng viễn thông, giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện, giấy phép kinh doanh sản phẩm, thiếp lập mạng xã hội…; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 1 - 24 tháng...

Nhiều quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực: Bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, CNTT (gồm phát triển công nghiệp CNTT; đầu tư, mua sắm; an toàn thông tin mạng; chống thư rác, tin nhắn rác; mạng xã hội, trang thông tin điện tử...) và các giao dịch điện tử cũng được Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định cụ thể, chi tiết hơn so với Nghị định số 174/2013/NĐ-CP.

Văn Thiệt

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập4
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm3
  • Hôm nay104
  • Tháng hiện tại54,017
  • Tổng lượt truy cập3,695,016
Cổng Văn hoá Du lịch - Gò Dầu
đường dây nóng
lịch công tác
trả lời kiến nghị người dân
lịch tiếp dân của lãnh đạo
dv công tỉnh
danh mục thủ tục hành chính
cổng dv công
hệ thống 1022
tuyên truyền phổ biến pháp luật
csdl quốc gia
tổng đều tra kinh tế
chuyển đổi số
hệ thống lấy số tự động
Bộ pháp điển
hướng dẫn thực hiện dịch vụ công trực tuyến
Công báo nước VN
hỏi đáp
hộp thư điện tử
csdl quốc gia về vb pháp luật
Công báo Tây Ninh
công khai minh bạch
góp ý văn bản pháp luật
Học tập làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Cuộc thi tìm hiểu công tác cải cách hành chính huyện Gò Dầu năm 2024
ATTT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây