HỎI – ĐÁP LUẬT DÂN QUÂN TỰ VỆ NĂM 2019

Thứ sáu - 03/07/2020 06:00 176 0

luatdansu.jpg

HỎI – ĐÁP LUẬT DÂN QUÂN TỰ VỆ NĂM 2019

(có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2020)

_____________________

1. Hỏi: Dân quân tự vệ là gì?

Đáp: Dân quân tự vệ là lực lượng vũ trang quần chúng không thoát ly sản xuất, công tác, được tổ chức ở địa phương gọi là dân quân, được tổ chức ở cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế gọi là tự vệ.

2. Hỏi: Công tác Dân quân tự vệ là gì?

Đáp: Công tác Dân quân tự vệ là hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy, quản lý, điều hành về tổ chức xây dựng lực lượng, huấn luyện, đào tạo, hoạt động và bảo đảm cho Dân quân tự vệ.

3. Hỏi: Dân quân tự vệ có vị trí, chức năng gì?

Đáp: Dân quân tự vệ là thành phần của lực lượng vũ trang nhân dân; là lực lượng bảo vệ Đảng, chính quyền, tính mạng, tài sản của Nhân dân, tài sản của cơ quan, tổ chức ở địa phương, cơ sở; làm nòng cốt cùng toàn dân đánh giặc ở địa phương, cơ sở khi có chiến tranh.

4. Hỏi: Dân quân tự vệ có nhiệm vụ gì?

Đáp: Dân quân tự vệ có các nhiệm vụ sau:

1. Sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu và phục vụ chiến đấu bảo vệ địa phương, cơ sở, cơ quan, tổ chức.

2. Phối hợp với các đơn vị Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và lực lượng khác trên địa bàn bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, hải đảo, vùng biển, vùng trời Việt Nam; tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân, khu vực phòng thủ, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật theo quy định của pháp luật.

3. Thực hiện nhiệm vụ huấn luyện quân sự, giáo dục chính trị, pháp luật, hội thi, hội thao, diễn tập.

4. Tham gia thực hiện các biện pháp về chiến tranh thông tin, chiến tranh không gian mạng theo quy định của pháp luật, quyết định của cấp có thẩm quyền.

5. Phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh, cháy, nổ; tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ; bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường và nhiệm vụ phòng thủ dân sự khác theo quy định của pháp luật.

6. Tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quốc phòng, an ninh; tham gia xây dựng địa phương, cơ sở vững mạnh toàn diện, thực hiện chính sách xã hội.

7. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.

5. Hỏi: Dân quân tự vệ có thành phần như thế nào?

Đáp: Dân quân tự vệ có thành phần như sau:

1. Dân quân tự vệ tại chỗ.

2. Dân quân tự vệ cơ động.

3. Dân quân thường trực.

4. Dân quân tự vệ biển.

5. Dân quân tự vệ phòng không, pháo binh, trinh sát, thông tin, công binh, phòng hóa, y tế.

6. Hỏi: Ngày truyền thống của Dân quân tự vệ là ngày nào?

Đáp: Ngày 28 tháng 3 hằng năm là ngày truyền thống của Dân quân tự vệ.

7. Hỏi: Độ tuổi, thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ trong thời bình được quy định như thế nào?

Đáp: Độ tuổi, thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ trong thời bình được quy định như sau:

1. Công dân nam từ đủ 18 tuổi đến hết 45 tuổi, công dân nữ từ đủ 18 tuổi đến hết 40 tuổi có nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ; nếu tình nguyện tham gia Dân quân tự vệ thì có thể kéo dài đến hết 50 tuổi đối với nam, đến hết 45 tuổi đối với nữ.

2. Thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ tại chỗ, Dân quân tự vệ cơ động, Dân quân tự vệ biển, Dân quân tự vệ phòng không, pháo binh, trinh sát, thông tin, công binh, phòng hóa, y tế là 04 năm; dân quân thường trực là 02 năm.

3. Căn cứ yêu cầu, nhiệm vụ quốc phòng, quân sự của địa phương, cơ quan, tổ chức, thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ được kéo dài nhưng không quá 02 năm; đối với dân quân biển, tự vệ và chỉ huy đơn vị Dân quân tự vệ được kéo dài hơn nhưng không quá độ tuổi quy định trên.

8. Hỏi: Việc đăng ký công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ được quy định như thế nào?

Đáp: Việc đăng ký công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ được quy định như sau:

1. Tháng 4 hằng năm, căn cứ kết quả đăng ký nghĩa vụ quân sự, Chủ tịch UBND cấp xã, Chủ tịch UBND cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức có trách nhiệm đăng ký cho công dân đủ 18 tuổi thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ; tổ chức đăng ký bổ sung cho công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ.

2. Công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ khi thay đổi nơi cư trú đến đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú thì Chủ tịch UBND cấp xã, Chủ tịch UBND cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã có trách nhiệm đăng ký cho công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ.

Trường hợp thay đổi nơi làm việc thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức có trách nhiệm đăng ký cho công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ.

3. Người khuyết tật, người mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh tâm thần theo quy định của pháp luật được miễn đăng ký nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ.

9. Hỏi: Tiêu chuẩn công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ được quy định như thế nào?

Đáp: Công dân Việt Nam trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ, có đủ các tiêu chuẩn sau đây được tuyển chọn vào Dân quân tự vệ:

1. Lý lịch rõ ràng.

2. Chấp hành nghiêm đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

3. Đủ sức khỏe thực hiện nhiệm vụ của Dân quân tự vệ.

10. Hỏi: Công dân được tạm hoãn thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ trong trường hợp nào?

Đáp: Công dân được tạm hoãn thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ trong các trường hợp sau đây:

1. Phụ nữ mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi; nam giới một mình nuôi con dưới 36 tháng tuổi.

2. Không đủ sức khỏe thực hiện nhiệm vụ của Dân quân tự vệ.

3. Có chồng hoặc vợ là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công chức, viên chức, công nhân quốc phòng, hạ sĩ quan, binh sĩ đang phục vụ trong Quân đội nhân dân.

4. Có chồng hoặc vợ là sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ, công nhân công an đang phục vụ trong Công an nhân dân;

5. Có chồng hoặc vợ là cán bộ, công chức, viên chức, thanh niên xung phong được điều động đến công tác, làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật.

6. Lao động duy nhất trong hộ nghèo, hộ cận nghèo; người phải trực tiếp nuôi dưỡng thân nhân không còn khả năng lao động hoặc chưa đến tuổi lao động; người trong hộ gia đình bị thiệt hại nặng về người và tài sản do tai nạn, thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm gây ra được Chủ tịch UBND cấp xã, Chủ tịch UBND cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức nơi công dân cư trú hoặc làm việc xác nhận.

7. Vợ hoặc chồng, một con của thương binh, bệnh binh, người bị nhiễm chất độc da cam suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 80%.

8. Người đang học tại trường của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; người đang lao động, học tập, làm việc ở nước ngoài.

11. Hỏi: Công dân được miễn thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ trong trường hợp nào?

Đáp: Công dân được miễn thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ trong các trường hợp sau đây:

1. Vợ hoặc chồng, con của liệt sĩ.

2. Vợ hoặc chồng, con của thương binh, bệnh binh, người bị nhiễm chất độc da cam suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.

3. Quân nhân dự bị đã được sắp xếp vào đơn vị dự bị động viên.

4. Người trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc Bà mẹ Việt Nam anh hùng; người trực tiếp nuôi dưỡng người suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.

5. Người làm công tác cơ yếu.

12. Hỏi: Công dân trong các trường hợp thuộc diện tạm hoãn, miễn thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ nào nếu tình nguyện thì được xem xét tuyển chọn vào Dân quân tự vệ?

Đáp: Công dân thuộc diện tạm hoãn, miễn thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ trong các trường hợp sau đây nếu tình nguyện thì được xem xét tuyển chọn vào Dân quân tự vệ:

1. Có chồng hoặc vợ là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công chức, viên chức, công nhân quốc phòng, hạ sĩ quan, binh sĩ đang phục vụ trong Quân đội nhân dân;

2. Có chồng hoặc vợ là sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ, công nhân công an đang phục vụ trong Công an nhân dân;

3. Có chồng hoặc vợ là cán bộ, công chức, viên chức, thanh niên xung phong được điều động đến công tác, làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật;

4. Lao động duy nhất trong hộ nghèo, hộ cận nghèo; người phải trực tiếp nuôi dưỡng thân nhân không còn khả năng lao động hoặc chưa đến tuổi lao động; người trong hộ gia đình bị thiệt hại nặng về người và tài sản do tai nạn, thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm gây ra được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức nơi công dân cư trú hoặc làm việc xác nhận;

5. Vợ hoặc chồng, một con của thương binh, bệnh binh, người bị nhiễm chất độc da cam suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 80%;

6. Vợ hoặc chồng, con của liệt sĩ;

7. Vợ hoặc chồng, con của thương binh, bệnh binh, người bị nhiễm chất độc da cam suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;

8. Người trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc Bà mẹ Việt Nam anh hùng; người trực tiếp nuôi dưỡng người suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;

13. Hỏi: Các trường hợp nào thôi thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ trước thời hạn?

Đáp: Thôi thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ trước thời hạn trong các trường hợp sau đây:

1. Dân quân tự vệ nữ mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi, Dân quân tự vệ nam một mình nuôi con dưới 36 tháng tuổi.

2. Không đủ sức khỏe thực hiện nhiệm vụ của Dân quân tự vệ.

3. Hoàn cảnh gia đình khó khăn đột xuất không có điều kiện tiếp tục thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ được Chủ tịch UBND cấp xã, Chủ tịch UBND cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức xác nhận.

4. Có lệnh gọi nhập ngũ hoặc lệnh gọi thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân; có quyết định tuyển dụng vào công chức, viên chức, công nhân quốc phòng, công nhân công an.

5. Có giấy báo và vào học ở cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trường của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; người có giấy báo và đi lao động, học tập, làm việc ở nước ngoài.

14. Hỏi: Đưa ra khỏi danh sách Dân quân tự vệ trong trường hợp nào?

Đáp: Đưa ra khỏi danh sách Dân quân tự vệ trong các trường hợp sau đây:

1. Chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là mất tích, đã chết.

2. Bị khởi tố bị can.

3. Bị tước danh hiệu Dân quân tự vệ.

4. Bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc.

5. Nghiện ma túy theo xác nhận của cơ quan có thẩm quyền hoặc bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

6. Bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

15. Hỏi: Luật quy định như thế nào về hoàn thành nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ?

Đáp: Luật quy định như sau về hoàn thành nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ:

1. Dân quân tự vệ đã phục vụ đủ thời hạn theo quy định được công nhận hoàn thành nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ.

2. Công dân đã hoàn thành nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ nhưng còn trong độ tuổi quy định thì Chủ tịch UBND cấp xã, Chủ tịch UBND cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức đăng ký, quản lý để sẵn sàng mở rộng lực lượng Dân quân tự vệ.

3. Dân quân thường trực được công nhận hoàn thành thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ trong thời bình theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự.

4. Chủ tịch UBND cấp xã, Chủ tịch UBND cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức quyết định công nhận công dân hoàn thành nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ.

16. Hỏi: Luật quy định các hành vi nào bị nghiêm cấm về Dân quân tự vệ?

Đáp: Các hành vi sau bị nghiêm cấm về Dân quân tự vệ:

1. Thành lập, tham gia, tài trợ tổ chức, huấn luyện, điều động, sử dụng Dân quân tự vệ trái pháp luật.

2. Trốn tránh, chống đối, cản trở việc tổ chức, huấn luyện, hoạt động và thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ.

3. Giả danh Dân quân tự vệ.

4. Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, nhiệm vụ của Dân quân tự vệ được giao xâm phạm lợi ích của quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

5. Sản xuất, vận chuyển, mua bán, thu gom, tàng trữ, sử dụng, chiếm giữ trái pháp luật vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ, trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật, trang phục, sao mũ, phù hiệu, tài sản của Dân quân tự vệ.

6. Phân biệt đối xử về giới trong công tác Dân quân tự vệ.

17. Hỏi: Dân quân tự vệ được hưởng chế độ, chính sách gì?

Đáp: Dân quân tự vệ được hưởng các chế độ, chính sách sau:

1. Chế độ phụ cấp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với các chức vụ chỉ huy Dân quân tự vệ.

2. Chế độ, chính sách đối với Dân quân tự vệ khi làm nhiệm vụ.

3. Chế độ, chính sách đối với Dân quân tự vệ bị ốm đau, bị tai nạn, chết, bị thương, hy sinh.

18. Hỏi: Luật quy định về khen thưởng thành tích trong thực hiện công tác Dân quân tự vệ như thế nào?

Đáp: Cơ quan, tổ chức, cá nhân và Dân quân tự vệ có thành tích trong thực hiện công tác Dân quân tự vệ được khen thưởng theo quy định của pháp luật.

19. Hỏi: Luật quy định xử lý hành vi vi phạm như thế nào?

Đáp: Luật quy định xử lý hành vi vi phạm như sau:

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định của Luật này thì tùy tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

2. Dân quân tự vệ khi làm nhiệm vụ nếu vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật thì tùy tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

20. Hỏi: Luật quy định như thế nào về hình thức kỷ luật Dân quân tự vệ?

Đáp: Luật quy định như sau về hình thức kỷ luật Dân quân tự vệ:

1. Đối với chiến sĩ Dân quân tự vệ áp dụng một trong các hình thức kỷ luật sau đây:

a) Khiển trách;

b) Cảnh cáo;

c) Tước danh hiệu Dân quân tự vệ.

2. Đối với các chức vụ chỉ huy đơn vị Dân quân tự vệ áp dụng một trong các hình thức kỷ luật sau đây:

a) Khiển trách;

b) Cảnh cáo;

c) Giáng chức;

d) Cách chức;

đ) Tước danh hiệu Dân quân tự vệ./.

PHÒNG TƯ PHÁP HUYỆN GÒ DẦU

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập30
  • Máy chủ tìm kiếm9
  • Khách viếng thăm21
  • Hôm nay3,840
  • Tháng hiện tại91,784
  • Tổng lượt truy cập2,761,239
đường dây nóng
lịch công tác
trả lời kiến nghị người dân
lịch tiếp dâncủa lãnh đạo
dv công tỉnh
danh mục thủ tục hành chính
cổng dv công
hệ thống 1022
tuyên truyền phổ biến pháp luật
csdl quốc gia
tổng đều tra kinh tế
chuyển đổi số
hệ thống lấy số tự động
Bộ pháp điển
thống kê báo cáo đăng ký
hướng dẫn thực hiện dịch vụ công trực tuyến
Công báo nước VN
hỏi đáp
hộp thư điện tử
csdl quốc gia về vb pháp luật
Công báo Tây Ninh
công khai minh bạch
góp ý văn bản pháp luật
Học tập làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Xây dựng Đảng
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu Tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây