Toàn cảnh buổi làm việc.
Qua 5 năm triển khai thực hiện, với sự chỉ đạo kịp thời của các cấp ủy đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở, huyện Gò Dầu đã thực hiện tốt việc hướng dẫn đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ gắn với mục tiêu phát triển kinh tế xã hội địa phương. Kết quả, Huyện đã mở được 96 lớp dạy nghề ngắn hạn với 71 lớp nông nghiệp và 25 lớp phi nông nghiệp, có hơn 2.600 học viên tham gia học và số học viên tốt nghiệp là gần 2.500 người. Các ngành nghề được đào tạo chủ yếu là trồng nấm, trồng rau sạch, kỹ thuật trồng lúa, khai thác mủ cao su, nuôi gia cầm, may công nghiệp, điện dân dụng, lái xe ô tô… Tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm sau học nghề là gần 1.900 người, chiếm gần 76%.
Kinh phí thực hiện việc dạy nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện từ năm 2012 đến năm 2017 là gần 2,9 tỷ đồng, hỗ trợ vốn vay ưu đãi giải quyết việc làm cho học viên sau học nghề gần 4,2 tỷ đồng, với gần 400 hộ vay.
Sau học nghề, các học viên đã cùng nhau thành lập được nhiều hợp tác xã sản xuất làm ăn mang lại hiệu quả kinh tế cao ở địa phương như Hợp tác xã giống cây trồng và dịch vụ nông nghiệp, Tổ hợp tác sản xuất lúa giống và một số Tổ hợp tác may công nghiệp. Hiện nay, toàn huyện có 01 hợp tác xã và 08 tổ hợp tác làm ăn hiệu quả, mang lại nguồn thu nhập ổn định và giải quyết việc làm cho hơn 100 lao động nông thôn.
Dịp này, đoàn khảo sát Trung ương cùng chính quyền địa phương đã đến tham quan thực tế 01 tổ hợp may công nghiệp làm ăn hiệu quả trên địa bàn xã Hiệp Thạnh. Tổ hợp này đã tạo việc làm cho gần 20 lao động nông thôn, với mức thu nhập bình quân hàng tháng của mỗi người là trên 04 triệu đồng.
Ý kiến bạn đọc